Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nơi đào tạo người thầy phải đi trước

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ trao bằng thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: A.Khôi

Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI đã khẳng định tính quy luật. Bởi vì xét về yếu tố khách quan và chủ quan, bây giờ đã đến lúc thực tế đất nước, giáo dục, nhu cầu dân trí và hội nhập đang đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ. Tính quy luật của sự đổi mới được xét về góc độ chiến lược. Chỉ có thực hiện đổi mới và phát triển giáo dục thì đất nước mới có sự chuyển hướng.
Có thể nói đây là một tín hiệu vui và là niềm vinh dự khi chúng ta có được ánh sáng soi đường. Bởi thế, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không làm được thì thật là có lỗi. Nghị quyết đưa ra vừa thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và cả tình cảm. Thực hiện không chỉ trong một, hai năm mà cả một quá trình lâu dài cho con cháu. Chúng ta làm cho hiện tại và hướng tới cả tương lai.
Trường sư phạm là nơi đào tạo thầy cô giáo còn trường phổ thông lại là nơi cung cấp đội ngũ GV cho tương lai. Vì thế cả hai bên phải có sự liên thông và gắn bó hữu cơ với nhau. Nếu thiếu sự gắn kết chặt chẽ thì chỉ có lý thuyết mà khuyết thực tế, thực hành. Cụ thể, trường sư phạm do đào tạo theo chuyên ngành nên phải gắn chặt hơn nữa về chương trình phổ thông. Đào tạo như thế nào để về phổ thông đi dạy được mới giúp GV không ngỡ ngàng khi đụng vào thực tế đứng lớp. Trước tiên, trường ĐH phải đi tiên phong đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài giáo sinh xuống phổ thông đi thực tập nên mời GV giỏi phương pháp ở trường phổ thông vào trường sư phạm để dạy cho SV năm cuối trước khi đi rèn tay nghề. Tốt hơn nữa là mời các thầy cô phổ thông tham gia dạy cho SV theo những chuyên đề nghiệp vụ. Nên chuyển thực tập sư phạm một khóa 2 lần sang rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên bằng cách cho các em hàng tuần xuống trường ngay từ năm thứ nhất. Đây là cơ hội giúp SV không chỉ quan sát tìm hiểu môi trường tương lai mà qua đó còn thử thách lòng yêu nghề trước khi gắn bó với dạy học. Ngoài ra các tổ bộ môn còn cử cán bộ thường xuyên xuống trường thực hành để bổ sung kiến thức. Cách làm này đã được Khoa Mầm non và Khoa Tiểu học thực hiện tốt.
Muốn đổi mới phổ thông trước hết phải đổi mới sư phạm, nơi đào tạo người thầy phải đi trước một bước. Trường sư phạm đúng nghĩa là trường nghề nên cần có chuẩn nghề nghiệp và chuẩn giảng viên. Cải tiến khâu tuyển sinh là  tuyển lựa những HS có kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp sư phạm. Vào chuyên ngành nào thì phải có điểm cao nhất của chuyên ngành đó. Nếu không, phải nhân đôi hệ số môn chuyên ngành.
Khi giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH, bộ phải xem năng lực của trường đó và quá trình thực thi quy chế tuyển sinh trước đây như thế nào? Đánh giá công bằng đội ngũ, cách tổ chức từ các năm trước xem có đủ điều kiện hay không để “chọn mặt gửi vàng”. Về chính sách hỗ trợ, SV ngành sư phạm hiện nay đã được ưu tiên nhưng cần phải nghiên cứu thêm về chế độ đãi ngộ, nhất là đồng lương của GV. Đây là bài toán vĩ mô trong đổi mới giáo dục. Ngoài nhân cách, năng lực cống hiến, thầy cô phải an tâm sống được với nghề một cách chính đáng.
Cuối cùng tôi muốn nói thêm một ý. Mỗi ý kiến đưa ra là một hiến kế hay của cá nhân và tập thể, dù đi từ góc độ nào nhưng đều với mục đích tạo thêm sức mạnh cho đổi mới. Chúng ta phải biết “chung lưng đấu cật” nỗ lực góp sức thực hiện để sự nghiệp GD-ĐT của đất nước được đổi mới căn bản và toàn diện.
PGS.TS Hoàng Văn Cẩn
 (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)