Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi đau của con trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện thứ nhất. Bé Hoài hiện đang học lớp 6 tại một trường THCS ở Q.7 đi học về với vẻ mặt bí xị. Mẹ gặng hỏi mãi, Hoài thú thật: “Sáng nay cô giáo cho con 10 điểm môn toán nhưng con không vui”. Sao thế con? Mẹ hỏi Hoài. “Vì bài ấy con cóp bài làm của bạn chứ con không biết làm”. Thay vì dạy con làm thế là không nên, người mẹ lại xua nỗi bứt rứt của con gái: “Kệ, không sao đâu con, được 10 điểm là phải vui”. Nói xong, mẹ sai người giúp việc ra đầu ngõ mua một tô phở tái để bồi dưỡng cho con. Nghe mẹ nói vậy, Hoài càng thấy khó chịu hơn. Em chạy vội lên phòng, đóng sầm cửa lại vì cảm thấy xấu hổ với chính mình, còn mẹ thì sang nhà hàng xóm huyên thuyên kể về thành tích của con mình. Nhà bên cạnh, có bé học cùng lớp với Hoài vừa về đến nhà nghe vậy, nói: “Điểm 10 của bạn Hoài không phải do thực lực của bạn ấy mà bạn ấy cóp bài của con đó mẹ”. Mẹ Hoài quát: “Mày biết cái gì. Con tao học giỏi, đáng lý mày phải noi gương nó, mày ganh tị hay sao mà nói nó cóp bài của mày”. Câu chuyện kết thúc khi Hoài đứng trên lầu vừa khóc vừa nói vọng xuống: “Bạn con nói đúng đó mẹ, mẹ đừng hằn học bạn ấy nữa”.
Chuyện thứ hai. Bé Thương hiện đang học tiểu học tại một trường quốc tế. Dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả nhưng bữa ăn sáng của Thương có khi chỉ là gói xôi 4-5 ngàn đồng hoặc nửa ổ bánh mì. Biết chuyện, mẹ của Thương không những không hoan nghênh con vì biết tiết kiệm mà còn chửi mắng. Một lần đi học về, Thương thưa chuyện với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo dắt tụi con đi thăm các bạn học sinh nghèo ở Cần Giờ, có bạn phải nghỉ học để đi bán vé số, bắt cua đó mẹ”. Mẹ Thương gật gù nhưng không chút cảm động. Thương lại nói tiếp: “Lâu nay con ăn sáng với bánh mì, xôi là để dành tiền ủng hộ các bạn ấy”. Người mẹ vô cảm, quát: “Trời ơi, thân mình mình lo con à. Con giúp các bạn rồi các bạn ấy có giúp con không?”.
Qua hai câu chuyện trên cho thấy, lòng trung thực với chính bản thân và tấm lòng biết sẻ chia với mọi người xung quanh của con trẻ lại bị người lớn cấm cản. Đôi khi, sự vô cảm, thờ ơ và căn bệnh thành tích của người lớn lại là “lằn roi” hằn mãi trên cơ thể của con trẻ. Người lớn nghĩ gì khi những gì mình nói và làm trở thành nỗi đau theo con đi suốt cuộc đời?
T. An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)