Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Nỗi đau của Klose: Khi sự nông nổi chẳng chừa một ai

Tạp Chí Giáo Dục

Chẳng hiểu trên đất Nam Phi, con vi-rút “nông nổi” có đang lan truyền hay không, mà các thẻ đỏ liên tiếp được rút ra các trận đấu gần đây. Nhưng “nghiệt ngã” nhất là bước ngoặt của các trận đấu sau thẻ đỏ dành cho sự nông nổi ấy mà phần thua thiệt luôn thuộc về đội bóng của cầu thủ bị truất quyền thi đấu.
Người ta vẫn nhớ chiếc thẻ đỏ của Zidane sau cú húc đầu vào mặt Materazzi và trận thua của Pháp trước người Ý trong trận chung kết World Cup 2006. Kết quả, Pháp ngậm ngùi nhận vị trí á quân. Năm đó, Zidane 34 tuổi.

Klose (11) nhận thẻ vàng thứ hai rời sân phút 37

Người ta vẫn nhớ chiếc thẻ đỏ dành cho Beckham sau cú “giẫm” vào chân Veron trong trận Anh thua Argentina tại vòng 1/16 World Cup 1998. Kết quả, Anh thua ngược Argentina. Năm đó, ngôi sao của M.U và tuyển Anh mới vừa qua tuổi 23.
Và mới đây thôi, Kaita (24 tuổi) đã bồi thêm một vết thương cho những chú đại bàng Nigeria khi phạm lỗi nguy hiểm không đáng có, để rồi bị truất quyền thi đấu. Từ thế đang dẫn trước, các đồng đội của Kaita vất vả chống đỡ các đợt tấn công của “cựu hoàng” châu Âu, để rồi tiếp tục trắng tay sau hai lượt trận đấu.
Ấy vậy mà… thêm một “sự nông nổi” đến từ nước Đức trong trận cầu quan trọng Đức-Serbia. Kịch bản cũ lại xuất hiện.
Dù Serbia chơi khởi sắc và hiệu quả hơn rất nhiều so với trận thua Ghana mấy ngày trước, nhưng Đức vẫn không phải là đội lép vế trước đội bóng Đông Âu về thế trận trên sân. Nhưng họ “thua” đối phương chính vì không giữ được sự điềm tĩnh lạnh lùng của “người Đức”. Trong một chiều nông nổi, tiền đạo Klose đã phải nhận hai thẻ vàng (thành một thẻ đỏ)  không đáng có, nhất là sau khi đã được sự cảnh báo của trọng tài sau thẻ vàng thứ nhất.
Có người không kềm được sự tức giận mà cho rằng Klose không phải người Đức chính gốc nên không có tinh thần của các cầu thủ Đức vốn được biết đến ở sự điềm tĩnh, lì đòn, hiệu quả. Nhưng nói như thế thì cũng không chính xác, bởi dù sao Klose cũng đã chinh chiến cùng tuyển Đức tại 3 vòng chung kết gần nhất – một thâm niên mà không phải ai cũng có thể có cơ hội thực hiện được. Còn ai ngoài anh chàng gốc Ba Lan chuyên gia ghi bàn bằng đầu này đang nhắm đến kỷ lục ghi bàn tại các vòng chung kết World Cup của Ronaldo (Brazil – 15 bàn) và của chính Gerd Muller, huyền thoại của bóng đá Tây Đức một thời (14 bàn) để vinh danh tuyển Đức. Mới mấy ngày trước, người hâm mộ còn vô cùng phấn khởi với cái duyên ghi bàn của Klose trong trận thắng giòn giã của Đức trước Australia. Còn trong trận này, Klose, 32 tuổi, không phải ở độ tuổi trẻ như Beckham 12 năm về trước trên đất Pháp khi bị Veron “già đời” khiêu khích, lại cũng chẳng vì bị nghe những lời xúc phạm như cái cách mà Materazzi làm với Zidane 4 năm về trước trên đất Đức; cũng chẳng phải trẻ tuổi nóng vội như W.Rooney (19 tuổi) trong trận tứ kết Euro 2004 với Bồ Đào Nha. Ấy thế mà… Ai bảo chỉ tuổi trẻ mới nông nổi!!
Bỗng dưng nhớ lại chiếc thẻ đỏ dành cho Rudi Voller (CHLB Đức) lẫn Frank Rijkaard (Hà Lan) sau cú nhổ nước bọt vào mặt Rijkaard tại trận CHLB Đức – Hà Lan năm 1990. Kết quả, Hà Lan bị loại còn người Đức đường hoàng vào chung kết và giành luôn chức vô địch năm ấy. Nhưng đó là chuyện của 20 năm về trước, và nhất là khi Voller rời sân không chỉ một mình. Còn nay, chỉ mình Klose bị truất quyền thi đấu, còn đối thủ của anh thì có hề hấn gì!!
 Vẫn biết bớc ngoặt trên sân cỏ hay bước ngoặt cuộc đời đều khiến người ta nhớ mãi. Nhưng có lẽ… bước ngoặt này quá đắng với Klose và tuyển Đức trên đường chinh phục cúp vàng sau 20 năm chờ đợi.
Dù sao cũng xem “sự cố của Klose” như một liều thuốc mạnh, giúp một tuyển Đức “trẻ trung” có thêm bài học kinh nghiệm. Bởi với bóng đá, kỹ thuật của cầu thủ cộng chiến thuật của HLV chưa đủ để bảo đảm chiến thắng. Nó còn là sự đấu trí giữa các đôi chân và cái đầu trên sân. Ai giữ cho mình được cái đầu “máu lạnh”, cơ may chiến thắng càng nhiều, nhất là khi trận đấu có quá nhiều cái “kém duyên” mà Podolski – đồng đội của Klose đã gặp phải hôm nay.
Nhã Trân (theo thethaovanhoa)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)