Kết hôn cận huyết đang khiến người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, H.Hương, Hà Tĩnh) đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi.
4 trẻ sinh ra, 1 bị tật nguyền
Năm 1991, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đưa nhóm người Chứt được phát hiện trong hang đá trên dãy Trường Sơn về định cư, lập nên bản Rào Tre. Sau 25 năm, từ 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, được đưa về chia thành 18 hộ dân và đều mang họ Hồ, đến nay bản Rào Tre có 37 hộ, 134 nhân khẩu và đã có thế hệ thứ ba.
Theo trung tá Dương Văn Tịnh, Trạm trưởng Trạm biên phòng bản Rào Tre, người Chứt ở bản Rào Tre đang phải gánh chịu hậu quả của hôn nhân cận huyết.
Từ chỉ dẫn của trung tá Tịnh, chúng tôi tìm tới gia đình đôi vợ chồng trẻ Hồ Viết Cương (36 tuổi), Hồ Thị Thành (33 tuổi). Xét về phả hệ, chị Thành phải gọi anh Cương bằng cậu ruột, nhưng cách đây 8 năm, sau một thời gian quấn quýt, hai cậu cháu đã nên duyên vợ chồng. 4 đứa con hai anh chị lần lượt chào đời và cả 4 sức khỏe đều yếu, bệnh tật, còi cọc. Cô con gái đầu mới lọt lòng mẹ đã bị bại não rồi mất sau đó 2 tháng. Cậu con trai thứ ba cũng mất sau khi chào đời được 5 tháng vì mắc phải bệnh sưng phổi. Hai đứa con Hồ Viết Mạnh (5 tuổi) và Hồ Thị Thơm (5 tháng tuổi) hiện đều yếu quặt quẹo, đau ốm thường xuyên.
Cách nhà anh Cương khoảng ba chục bước chân là nhà sàn của anh Hồ Hà (32 tuổi) và vợ là Hồ Thị Sâm (28 tuổi). Anh Hà và chị Sâm là con cô, con cậu nhưng đã lấy nhau cách đây 12 năm, đến nay đã có 3 con là Hồ Thị Thu (9 tuổi), Hồ Thị Huyền Trang (5 tuổi) và Hồ Thị Thảo (10 tháng tuổi). Cả 3 cháu Thu, Huyền và Thảo đều còi cọc, ốm yếu. Đáng thương nhất là cháu Thu, ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã bị dị tật, không có bàn chân trái.
Bác sĩ quân y “cắm” bản Rào Tre Nguyễn Nam Giang cho biết, ở bản này còn có nhiều trường hợp kết hôn cận huyết khác, như vợ chồng Hồ Gio và Hồ Thị Hoa là con cô con cậu, vợ chồng anh Hồ Hùng và chị Hồ Thị Nhỏ cũng là con cô con cậu…
Theo ông Trần Văn Lộc, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hương Liên, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, cứ 4 đứa trẻ sinh ra ở bản Rào Tre thì có 1 cháu phải chịu cảnh tật nguyền như cụt tay, cụt chân, hở hàm ếch…, hoặc phát triển không bình thường. Nguyên nhân chính dẫn đến con số thống kê đau lòng này được xác định là do hôn nhân cận huyết.
Cuộc giải cứu chưa thành
Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết, sau khi thoát khỏi cuộc sống nguyên thủy hang động, tâm sinh lý, văn hóa, lối sống của người Chứt vẫn chưa thể hòa nhập với xã hội bên ngoài. Trong khi đó, để gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng Chứt ở tỉnh Quảng Bình, bà con phải vượt núi, băng rừng với quãng đường hơn 15 km. “Thực trạng hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre đang đẩy người Chứt vào tình thế hết sức cam go và việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết thực trạng này cũng khó khăn chẳng khác gì cách đây 25 năm, khi Bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng của tỉnh tìm cách đưa đồng bào từ trong hang đá về lập bản, dựng làng”, thượng tá Hải nói.
Theo trung tá Dương Văn Tịnh, Trạm biên phòng bản Rào Tre và các cơ quan chức năng đã nhiều lần họp bàn, đề ra nhiều phương án để “giải cứu” người Chứt khỏi hôn nhân cận huyết, như tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và khuyến khích bà con trong bản kết hôn với người dân tộc khác; những đôi vợ chồng khác dân tộc, không cận huyết sẽ được địa phương cấp đất, nhà ở và một khoản hỗ trợ bằng tiền để bước đầu ổn định cuộc sống… nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Theo ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê, để “giải cứu” người Chứt, địa phương đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ xin mở đường nối liền từ bản Rào Tre sang tỉnh Quảng Bình để đồng bào 2 địa phương giao giao lưu, tìm hiểu rồi kết hôn với nhau, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Theo Nguyên Dũng/ TNO
Bình luận (0)