Bị cáo Phạm Phương được tự do sau phiên tòa phúc thẩm |
Họ từng là những người hàng xóm thân thiết, nhà ở đối diện nhau. Thế nhưng, chỉ vì một xích mích nhỏ mà họ quay ra trở mặt, ẩu đả nhau dữ dội. Kết quả, một người phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Người còn lại chẳng những không tỏ ra hối hận, xót thương mà còn thể hiện sự đắc ý, mừng vui…
“Bị cáo mới là người phải chết!”
Câu nói ấy của vị luật sư đại diện cho người bị hại trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” ngày 7-7 tại TAND TP.HCM khiến tất cả những ai có mặt cũng phải giật mình. Mặc dù vị luật sư ngay sau đó bị HĐXX “chỉnh sai” bởi cho rằng câu nói chỉ là sự suy diễn nhưng với những lập luận và hình dung về vụ án, người ta dễ dàng nhận thấy bị cáo là người khá may mắn trong cuộc ẩu đả hơn thua này…
Lần giở lại từng trang cáo trạng, chỉ vì có chút mâu thuẫn từ chiếc thùng rác của người này lấn chiếm diện tích nhà người kia mà ngày 26-10-2008, Phạm Văn Thơm cầm khúc gỗ dài (4x6x100cm) đến nhà Phạm Phương (cùng ngụ tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) để dạy cho một bài học. Trong khi Phương đang ngồi đục điêu khắc trong nhà, Thơm bất ngờ dùng khúc gỗ mang theo giáng liên tiếp xuống đầu và vai Phương. Bị đánh bất ngờ, trong tư thế bò lồm cồm Phương liền chụp lấy hai cây đục có mũi bằng kim loại phóng vào người Thơm. Lúc này Thơm vẫn tỏ ra hung hăng, tiếp tục giáng khúc gỗ xuống đầu Phương, Phương lại chống trả bằng cách dùng đục đâm liên tiếp vào người đối phương cho đến khi cả hai cùng gục xuống.
Bản giám định pháp y cho thấy, Thơm bị thủng tim, thương tật 97% vĩnh viễn. Nạn nhân đã tử vong sau 7 tháng điều trị. Riêng Phương từ chối giám định pháp y nên cơ quan điều tra không xác định được tỷ lệ thương tật. Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 2-4 tại TAND huyện Hóc Môn, HĐXX cho rằng hành vi chống trả của Phạm Phương vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, đồng thời phần lỗi chủ yếu thuộc về phía nạn nhân – đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nên tuyên phạt Phương mức án 10 tháng 12 ngày tù giam theo khoản 1, điều 106 Bộ luật Hình sự.
Đến phiên phúc thẩm, HĐXX cũng khẳng định bị hại sử dụng vũ khí nguy hiểm chủ động tấn công còn bị cáo chỉ vì muốn phòng vệ nhưng… quá mức cần thiết, do đó vẫn giữ nguyên án sơ thẩm, trả tự do cho Phương vì bị cáo đã chấp hành xong hình phạt.
Cần một lời hỏi han!
Dù không hề phủ nhận phần lỗi thuộc về chồng mình, nạn nhân cũng đã phải trả giá bằng chính sinh mạng nhưng người phụ nữ ấy vẫn cảm thấy mức phạt đối với Phương là chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, lý do khiến chị kháng cáo không đơn thuần chỉ vì muốn tòa xem xét tăng thêm án cho Phương mà còn vì thái độ không tình người của bị cáo. Ngày đến tòa, trên tay chị là tấm ảnh của người chồng quá cố nằm teo tóp, sống đời thực vật. Trong lúc diễn ra phiên tòa, nhiều lần chị cố gắng mang bức hình ấy lên trình HĐXX để mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ nhưng không có lấy một cơ hội. Cả những lời oán trách mà chị dành cho bị cáo cũng trở nên thừa thãi – “Là người gây ra cái chết cho chồng tôi nhưng bấy giờ ông ấy (ý chỉ bị cáo Phương – NV) không hề đoái hoài qua thăm. Nhà ở đối diện, chạm mặt nhau mà ông ấy cũng không hỏi han một lời xem chồng tôi hiện ra sao, còn sống hay đã chết!…”. Những giọt nước mắt tủi thân của chị khiến phiên tòa lặng đi. Chị chỉ thôi khóc khi đại diện Viện Kiểm sát giải thích, việc bị cáo không thể hiện thiện chí chia sẻ trách nhiệm dân sự với gia đình bị hại được xem là tình tiết tăng nặng của vụ án, và bị cáo đã phải chịu hình phạt cho hành vi này. Song thái độ thờ ơ của Phương, thể hiện ở việc không đoái hoài hỏi han hay có lời động viên với gia đình chị lại thuộc về hành vi đạo đức, là tình cảm, sự ứng xử giữa người – người với nhau… Nhiều người dự khán cảm thương khi nhận thấy sự cô đơn, yếu đuối trong đôi mắt của chị – rồi đây người phụ nữ này sẽ phải gánh trên vai cả phần trách nhiệm của người chồng đã mất. Và cũng rồi đây, hai gia đình đối diện sẽ phải ngăn nhau bởi sự thờ ơ, lạnh nhạt đến đau lòng.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Đứng trước vành móng ngựa, lắng nghe phần đối thoại giữa chị và HĐXX, nhiều lần Phương ngoái xuống nhìn chị với dáng vẻ đắc ý, y không quên mỉm cười như thể chế giễu những lời trách than thừa thãi trong phiên tòa. Phương không nhận ra rằng, đôi lúc, tiền bạc hay tù tội cũng không thể bù đắp nổi nỗi đau nhưng với một lời hỏi han, chia sẻ cũng có thể hóa giải những hận thù, làm tan biến nỗi đau ấy. |
Bình luận (0)