Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nói được, rồi sẽ làm được?

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21-12, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa công bố chuẩn đầu ra 24 ngành đào tạo của trường. Đây là một trong những trường ĐH đầu tiên cả nước công bố những kiến thức và kỹ năng cụ thể  HS-SV sẽ đạt được khi tốt nghiệp. Điều này thật sự là một cam kết, một lời hứa với doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của trường mình.

Sự kiện này tạo ra một động lực để trường thực hiện bằng được những gì đã cam kết, SV-HS biết  rõ mình sẽ được gì sau quá trình học, doanh nghiệp dễ tuyển dụng, tuyển đúng người, hỗ trợ trường dễ dàng hơn.

Nói như PGS TS Thái Bá Cần, hiệu trưởng nhà trường, với chuẩn này GV và SV dễ nhận biết mình đã đạt những gì, cái gì chưa đạt. Từ đó, thầy và trò đều phải điều chỉnh mình, có trách nhiệm hơn với việc dạy và học, nhà trường có trách nhiệm với người học, với doanh nghiệp. Đơn cử như đối với môn ngoại ngữ, thay vì trước đây chỉ cần 5 điểm, vượt qua kỳ kiểm tra các học phần, không thấy rõ những kỹ năng cụ thể đạt được… Giờ đây đầu ra SV phải đạt trình độ, kỹ năng tối thiểu tương đương 350 điểm TOEIC.

Đi kèm với việc công bố chuẩn này, tất nhiên phải có nhiều thay đổi lớn trong chương trình, cách tổ chức giảng dạy, nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy của GV, thái độ học tập tích cực của HS-SV từng trường.

Theo PGS TS Thái Bá Cần: “Chúng tôi chỉ cam kết những gì trong tầm tay có thể làm được, làm tốt. Chuẩn đầu ra trường này có thể không giống hệt với  trường khác, điều này tùy thuộc điều kiện cụ thể từng trường. Quỹ thời gian học tập của SV ở trường cũng có hạn, SV không thể giỏi hết mọi thứ. Nhưng với việc công bố có kế hoạch thực hiện chuẩn đầu ra, các trường sẽ công bố với xã hội, với doanh nghiệp những “món” nào mình có thể làm được. Điều này dần tạo nét riêng, sự khác biệt và “món đặc sản” của từng trường mình dưới mắt nhìn của xã hội”.

Sau ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các trường khác cũng sẽ công bố chuẩn đầu ra theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Có thể hi vọng đây là một tín hiệu đổi mới, nâng chất lượng đào tạo. Nhưng, mọi chuyện sẽ không dừng lại ở một buổi lễ công bố. Có chuẩn rồi, việc tổ chức thực hiện như thế nào? Bao nhiêu khó khăn còn trước mắt cản trở các trường: từ nguồn lực, điều kiện giảng dạy, ý thức, động cơ học tập của HS-SV…

Nhưng để nói được và làm được, chỉ quyết tâm của từng trường thôi chưa đủ!

PHÚC ĐIỀN (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)