Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nơi họ chọn là quê hương thứ hai

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên nước ngoài đang học tại Khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn trong chuyến đi thực tập ở Huế

Khi được hỏi tại sao chọn Việt Nam mà không phải một quốc gia phát triển nào khác, những du học sinh tôi có dịp tiếp xúc liền nở nụ cười thân thiện như muốn thay cho lời đáp.
Người này chọn “dải đất hình chữ S” làm điểm đến để nâng cao tri thức vì “thấy tiếng Việt hay hay”. Người kia đến Việt Nam với mục đích tham gia một dự án kinh doanh nào đó rồi bỗng dưng “mắc kẹt” lại đây như một duyên nợ. Có người bén duyên với xứ sở này chỉ sau một chuyến du lịch. Lạ lắm! Ai cũng tìm thấy lý do cho riêng mình để gắn bó với nơi mà họ gọi là quê hương thứ hai.
Muốn hiểu để gần người Việt hơn
Ba người Việt, mẹ ở “xử sở kim chi”, từ năm lên 9, Luu Esther (26 tuổi, SV năm 2 Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã được đi đi về về giữa hai nước. Còn nhớ năm 1995, lúc ba mẹ quyết định về Sài Gòn kinh doanh, Esther phấn khởi vì sắp có nhà mới, bạn mới. Thế nhưng rào cản ngôn ngữ nhanh chóng khiến Esther chán cái thành phố được xếp vào loại năng động nhất Việt Nam. Được ba động viên, cô nàng cố gắng làm quen với lũ trẻ trong xóm để… học tiếng Việt. “Thấy mấy bạn trong xóm chơi đùa, mình rất muốn tham gia nhưng không biết nói gì nên ngày nào cũng chạy ra đứng nhìn. Như biết mình cần gì, các bạn cùng hỏi “Muốn chơi hả?”. Thật sự lúc đó mình không hiểu họ nói gì nhưng vẫn liên tục gật đầu. Vậy là mình có thêm rất nhiều bạn mới”, Esther mỉm cười khi nhớ về những ngày đầu sang quê hương ba.
Thời gian đó, cuộc sống Esther có nhiều biến động khi phải thay đổi chỗ ở liên tục do tính chất công việc của gia đình. Năm 2002, cô cùng ba mẹ trở về Hàn Quốc. Tận dụng vốn tiếng Việt khiêm tốn học được từ bạn bè, Esther tình nguyện đến nói chuyện cùng những gia đình Việt – Hàn có xích mích cần gỡ rối ở nhiều nhà thờ với mong muốn giúp họ thêm hiểu và yêu thương nhau. “Sự khác biệt về văn hóa đôi khi tạo ra khoảng cách khó chịu. Thế nhưng, chỉ cần mình giải thích cặn kẽ, họ sẽ hiểu ra vấn đề và tự có biện pháp giải quyết ổn thỏa”, Esther vui vẻ nói. Esther cảm thấy rất tự hào khi được mọi người gọi là “người thứ ba”. Cũng đúng thôi bởi “cô con lai” xinh đẹp này luôn tìm cách siết chặt vòng tay những người bạn Hàn và Việt của mình, để họ nhận ra rằng sự khác biệt về văn hóa chẳng thể ngăn người ta đến với nhau.
Năm 2007, vì quá nhớ Việt Nam, Esther quyết định bắt đầu cuộc sống tự lập. Trở thành sinh viên Khoa Việt Nam học, Esther cố gắng hết sức để nói và viết tiếng Việt thật giỏi. Bằng chất giọng lơ lớ rất dễ thương, cô sinh viên sở hữu gương mặt khả ái chia sẻ: “Giờ thì mình nói rành tiếng Việt rồi. Ngoài giờ học, mình làm thông dịch viên cho các công ty thương mại liên doanh giữa Hàn Quốc và Việt Nam”.
Không may mắn như Esther, việc học tiếng Việt được xem như một cực hình đối với Nick Burgin (32 tuổi, kế toán viên, đến từ Anh). Đọc đi đọc lại mấy cụm từ trong sách, anh chàng có mái tóc xoăn màu vàng óng chau mày: “Tiếng Việt khó quá!”. Tôi bật cười khi thấy anh khổ sở “tạo hình” cho cặp môi nhưng vẫn không phát âm rõ được lấy một từ. “Vậy sao anh không dùng tiếng Anh mà lại phải học tiếng Việt?”, tôi thắc mắc. Đưa tay gãi đầu lộ rõ vẻ bối rối pha chút ngượng ngùng, Nick lí nhí: “Vì muốn hiểu để gần người Việt Nam hơn”.
Mùa xuân năm 2009 là cột mốc định mệnh của anh chàng Tây có phong cách bụi bặm này. Sang Việt Nam du lịch, và rồi “say” một thiếu nữ Sài thành, anh quyết định làm rể xứ người. Tôi hỏi tiếp: “Sao anh phải khổ cực học tiếng Việt. Vợ anh không biết tiếng Anh à?”. Nick cười hiền: “Vợ giỏi tiếng Anh lắm! Nên mình phải học tiếng Việt để nói chuyện với gia đình vợ”. Khi mới sang, Nick cũng đăng ký học tiếng Việt như rất nhiều người ngoại quốc khác. Giờ thì anh thích tự học hơn vì “Khi gặp khó khăn, vợ tôi sẽ dạy”, ánh mắt Nick sáng ngời niềm hạnh phúc.
“Ở Việt Nam à, tất nhiên rồi”
Đó là câu trả lời tôi nhận được từ cựu sinh viên Khoa Việt Nam học – Ugur Altas (23 tuổi, thông dịch viên kiêm Trợ lý giám đốc Công ty VietTurk). Năm 2006, Ugur quyết định sang Việt Nam du học. Giải thích cho chọn lựa có vẻ hơi liều lĩnh của mình, chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu nước da trắng hồng cười rất tươi: “Vì tôi thích Việt Nam”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Sao không phải Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc hay một quốc gia châu Á nào đó mà lại là Việt Nam?”. Ugur tự tin nói: “Nói ra chắc nhiều người không tin. Tôi muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa của Việt Nam để có thể sống chung với các bạn như người một nhà”.
Thân thiện, thật thà, ham học hỏi, thích nghiên cứu là những gì người ta cảm nhận được khi tiếp xúc với Ugur. Sự năng động của một thanh niên châu Âu luôn nuôi khát vọng chinh phục cái mới đã giúp Ugur vượt qua rất nhiều rào cản, việc mà hiếm người ngoại quốc làm được khi mới sang Việt Nam. Khi vào làm việc trong môi trường giao thoa giữa người Việt và người Thổ Nhĩ Kỳ, Ugur phấn khởi vô cùng. “Tôi chú ý từng cử chỉ, từng câu nói của các đồng nghiệp người Việt, từ trưởng phòng cho đến công nhân để tìm xem các bạn muốn gì, cần gì ở người đối diện. Tôi coi công ty là ngôi trường thứ hai vì ở đây, tôi học được rất nhiều thứ”, Ugur chia sẻ.
Ugur tự hào khi nói cho tôi biết đến thời điểm này anh là sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên tốt nghiệp hệ cử nhân tại Khoa Việt Nam học. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết được những dự định rất nhân văn của anh trong tương lai. “Nếu có điều kiện, tôi sẽ cùng một vài người bạn soạn cuốn từ điển Việt – Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ – Việt ở mức căn bản nhất. Không biết điều tôi ao ước có xa vời quá không nhưng những gì tôi đang làm luôn vì mối quan hệ giữa người dân hai nước. Tôi muốn ngày càng có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ biết đến Việt Nam và ngược lại”, Ugur tâm sự.
Dù còn hai năm nữa mới ra trường nhưng Esther đã có dự định sẵn cho tương lai. “Mình chắc chắn sẽ ở lại Việt Nam và làm việc cho những tổ chức liên quan đến hai nước. Mình yêu cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc. Ở đây, mình cảm thấy thoải mái và an toàn. Nếu có thể, mình rất muốn được vào làm tại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM vì lúc đó, mình sẽ có cơ hội gần gũi nhiều người Việt hơn”, cô sinh viên người Hàn gốc Việt nói như đinh đóng cột.
Còn với Jang Dong Hoon (28 tuổi, Phó giám đốc sản xuất Công ty TNHH Trung tâm Gia công Posco Việt Nam), Việt Nam giờ đã là quê hương thứ hai. Jang Dong Hoon cho hay: “Lúc đầu sang đây học theo lời khuyên của gia đình nhưng dần dần tôi thấy thích đất nước các bạn. Không chỉ chi tiêu rẻ mà cách sống cũng thoải mái. Những đồng nghiệp người Việt luôn gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ khi thấy tôi gặp khó khăn”. Hiện anh khá hài lòng với cuộc sống luân phiên giữa hai nước của mình. “Tôi muốn sự di chuyển nên hiện tại sẽ chọn ở cả hai nơi. Việt Nam cho tôi công việc yêu thích, Hàn Quốc có gia đình và người thân của tôi”, chàng trai xứ Hàn thổ lộ.
Một mùa xuân nữa lại về, xin chúc cho những “người con mới” của nước Việt luôn tràn căng sức sống, mạnh mẽ niềm tin để thực hiện thật tốt bao ước mơ, dự định tốt đẹp trong tương lai.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)