“Vân Anh – Phương Nga rất vui khi gặp lại các bạn trong chương trình phát thanh học đường. Chương trình do Đoàn trường THPT Hiệp Bình thực hiện. Các bạn hãy gửi thư qua trang facebook để chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình đến với thầy cô, bạn bè…”.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Phát thanh Trường THPT Hiệp Bình |
Đều đặn vào giờ ra chơi ngày thứ tư và thứ sáu hàng tuần, tất cả học sinh Trường THPT Hiệp Bình (TP.HCM) được nghe những âm thanh quen thuộc từ chương trình phát thanh học đường. Chương trình đã thực hiện gần 2 năm nay với những nội dung, chủ đề khác nhau.
Đa dạng về chủ đề
Theo kịch bản, chương trình phát thanh được bắt đầu bằng những thông tin mang tính thời sự nội bộ, từ việc thông báo các hoạt động của Đoàn trường, nhắc nhở các bạn đoàn viên chưa nghiêm túc khi học bài, tuyên dương người tốt việc tốt…, cho đến thông tin thầy giáo bộ môn trong trường sắp… kết hôn. Tất cả những thông tin nóng hổi này đều được các thành viên trong Câu lạc bộ Phát thanh cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh trong trường. Sau phần thông tin, chủ đề chính của buổi phát thanh sẽ được trình bày theo các dạng trần thuật, phỏng vấn. Ở chủ đề mới được thực hiện gần đây tuyên truyền về ngày 30-4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, các học sinh không chỉ được ôn lại diễn biến lịch sử của hai ngày trọng đại này mà còn được lắng nghe cô Nguyễn Thụy Vi Vi (Tổ trưởng bộ môn lịch sử) phân tích tác động của Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tới cách mạng Việt Nam và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4).
Không chỉ riêng chủ đề này, tất cả các chủ đề khác đều được các em học sinh trong câu lạc bộ lên kế hoạch chuẩn bị, xây dựng nội dung rất công phu. Thầy Huỳnh Kim Ngọc, Trợ lý thanh niên nhà trường, cho biết các thành viên trong Câu lạc bộ Phát thanh sẽ họp vào đầu tháng để bàn bạc về các chủ đề cụ thể sẽ thực hiện trong tháng. Thường thì các em sẽ để ý xem trong tháng đó có những ngày lễ, sự kiện nào đặc biệt và xây dựng nội dung, kịch bản cho sự kiện đó. Những chủ đề còn lại sẽ căn cứ theo tâm lý tuổi học sinh hoặc các vấn đề đang gây sự chú ý của dư luận để lên kế hoạch thực hiện. Trong năm học này, Câu lạc bộ Phát thanh của trường đã thực hiện nhiều chủ đề gây được sự thích thú với các em học sinh như Tình yêu màu mực tím, Vô cảm, Quá khứ và hiện tại, Kỹ năng ôn thi hiệu quả…
Trang facebook do Câu lạc bộ Phát thanh tạo ra để các bạn chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình đến với thầy cô, bạn bè… |
Trong năm học này, Câu lạc bộ Phát thanh của trường đã thực hiện nhiều chủ đề gây được sự thích thú với các em học sinh như Tình yêu màu mực tím, Vô cảm, Quá khứ và hiện tại, Kỹ năng ôn thi hiệu quả… |
Bên cạnh các chương trình phát thanh được phát theo chủ đề, câu lạc bộ còn xây dựng các chương trình ca nhạc theo yêu cầu để học sinh gửi tặng bạn bè và các thầy cô trong trường. “Câu lạc bộ Phát thanh có tạo một fanpage trên facebook để cập nhật danh sách các bài hát sẽ được phát sóng. Các em học sinh sẽ gửi lời nhắn tặng bài hát qua hộp thư và khi đọc, MC sẽ giấu tên của người gửi tặng nên khá… an toàn. Thông thường, các chương tình phát thanh ca nhạc theo yêu cầu thường thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học sinh. Cứ đến ngày phát thanh ca nhạc theo yêu cầu là các em đứng kín hết các dãy hành lang”, thầy Ngọc cho hay.
Học được nhiều kỹ năng
Hiện Câu lạc bộ Phát thanh học đường của Trường THPT Hiệp Bình có 5 thành viên tích cực tham gia. Sắp tới, câu lạc bộ sẽ “chiêu nạp” thêm nhiều thành viên mới để có thêm nhiều ý tưởng và nhân sự thực hiện các chương trình phát thanh. Để được tham gia vào câu lạc bộ, ngoài điều kiện bắt buộc là phải có chất giọng tốt, các thành viên còn phải có khả năng viết lách uyển chuyển, nhanh nhạy nắm bắt ý tưởng để xây dựng kịch bản theo chủ đề vạch ra. Em Nguyễn Thị Vân Anh, học lớp 11A2 – thành viên kỳ cựu của câu lạc bộ, cho biết để có một chương trình phát thanh trong khoảng thời gian chưa đầy 20 phút vào giờ ra chơi, các thành viên phải mất khoảng… 10 tiếng để thực hiện các khâu từ thu âm, ghép giọng, lọc âm, ghép nhạc và xử lý các sự cố kỹ thuật khác. “Do vị trí của trường nằm ngay đường bay của Sân bay Tân Sơn Nhất, lại gần đường giao thông nên mỗi khi bị lẫn tạp âm, chúng em phải thu âm lại đoạn đó. Ngoài ra, do lịch học của khối 10 và 11 trái buổi nhau nên chúng em thường phải thu riêng lẻ, rồi mới ghép giọng, nghe và chỉnh sửa nhiều lần mới cho phát thanh. Nhờ vậy mà chúng em học được rất nhiều kỹ năng trong phân công công việc, sắp xếp thời gian…”.
Còn với Nguyễn Minh Quan, học lớp 11A13 và là kỹ thuật viên duy nhất của câu lạc bộ, thời gian tham gia câu lạc bộ chính là lúc em được thể hiện sở thích của mình về lĩnh vực ghép nhạc, đồng thời hoàn thiện thêm các kỹ năng về chỉnh sửa kỹ thuật, âm thanh để trở thành một người thuần thục sau này.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)