Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nơi hội tụ những tấm lòng tri ân

Tạp Chí Giáo Dục

Mới tròn 3 năm thành lập nhưng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã trở thành địa chỉ tin cậy của các gia đình liệt sĩ. Đây là nơi hội tụ của những tấm lòng tri ân, nặng nghĩa uống nước nhớ nguồn.
Hơn 1.000 ngày làm việc nghĩa
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM được thành lập ngày 10-7-2020. Hội đã trở thành nơi hội tụ những tấm lòng nhân nghĩa và là địa chỉ tin cậy của các gia đình liệt sĩ, bằng chính những việc làm thiết thực như tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc, bổ sung thông tin liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hỗ trợ, tri ân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM (thứ hai từ trái sang) cùng Ban liên lạc Trung đoàn 174 trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách
Ngày mới thành lập, công việc đầu tiên của cán bộ, hội viên Hội là tỏa ra các nghĩa trang liệt sĩ ở các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi… và các đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn thành phố để lập danh sách các liệt sĩ. Sau 3 năm miệt mài, danh sách 23.496 liệt sĩ được đóng thành tập trang trọng để chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Thông tin liệt sĩ. Cán bộ Hội còn tham gia thẩm định gần 15.000 danh tính liệt sĩ để ghi danh tại các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ; đồng thời phối hợp cùng các đơn vị đưa gần 300 hài cốt liệt sĩ về quê.
Uống nước nhớ nguồn, công tác tôn vinh, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng và gia đình liệt sĩ cũng được Hội chú trọng. Vào những dịp lễ, tết, cán bộ, hội viên tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ấn tượng hơn là hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình liệt sĩ, người có công. Bà Phạm Thị Út, Chánh văn phòng Hội, thông tin, cán bộ, hội viên đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký tài trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa gần 100 nhà tình nghĩa; đến nay đã sửa chữa 48 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng.
Trong lần tham dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt (tỉnh Long An), Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội, nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP, chia sẻ, Hội không chỉ quan tâm đến gia đình liệt sĩ, dành nhiều tình cảm với đồng đội đã hy sinh mà còn chú trọng xây dựng các công trình tri ân tại những chiến trường xưa. Trong 3 năm qua, Hội phối hợp cùng Quân khu 7 và UBND các tỉnh Long An, Kiên Giang kêu gọi kinh phí trên 100 tỷ đồng xây dựng mới đền thờ liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt và đền thờ liệt sĩ tại Phú Quốc.
Điểm đến của những tấm lòng cao cả
“Tấm lòng sâu nặng và sự nhiệt huyết của Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội, đã gắn kết chúng tôi đồng hành với Hội”, Trung tướng, Phó GSG-TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, thành viên Ban Tư vấn Hội, chia sẻ. Những ngày tham gia Hội, đi tìm mộ liệt sĩ, ông như trở về với đơn vị ngày trước. Trong hoạt động của Hội, không chỉ các cựu chiến binh, tướng lĩnh mà còn có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đồng hành tham gia.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xanh toàn cầu Nguyễn Thanh Ngà, Ủy viên Thường trực của Hội, cũng là mạnh thường quân cho các chương trình của Hội từ những ngày đầu thành lập. “Chúng tôi hân hạnh được đồng hành hỗ trợ gia đình liệt sĩ”, ông Nguyễn Thanh Ngà tâm sự. Chỉ trong năm 2022, ông Nguyễn Thanh Ngà dành gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động của Hội, trong đó nổi bật là trao 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công ở huyện Cần Giờ (TPHCM) và hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tại các tỉnh Bình Phước, Long An, Bến Tre.
Nữ Giám đốc Công ty Truyền thông Vinaart Lê Thị Kim Oanh chia sẻ, thông qua Hội, công ty hỗ trợ 2.000kg gạo đến các gia đình chính sách ở phường 4, quận Phú Nhuận (TPHCM) vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Năm 2022, bà Lê Thị Kim Oanh cũng tặng 40 triệu đồng để sửa chữa nhà cho 2 gia đình chính sách, tặng 10 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách ở phường 4, quận Phú Nhuận (TPHCM) và 10 phần quà cho gia đình chính sách ở phường 6, quận Gò Vấp (TPHCM).
Hoạt động chăm lo không chỉ thực hiện trên địa bàn TPHCM. Mới đây, Chủ tịch Hội Trần Thế Tuyển không quản đường xa đã về ấp Tân Thạnh, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) trao món quà trị giá 60 triệu đồng do ông Lê Thanh Song và bà Lê Thúy Lộc (ở quận Tân Bình, TPHCM) hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Trần Thị Gọn. Con trai của mẹ là liệt sĩ Lê Văn Dũng hy sinh năm 1982 tại chiến trường nước bạn Campuchia. Ở tuổi 85, mẹ liệt sĩ Trần Thị Gọn có chỗ ở vững chắc, ấm áp nghĩa tình.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã phối hợp xây dựng bia ghi danh liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 hy sinh năm 1967 tại chiến trường Đắc Tô – Tân Cảnh và chuẩn bị xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), TP Tân An (tỉnh Long An)…
 

TRẦN YÊN (theo SGGP)

Bình luận (0)