Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nơi “hồn quê” thấm vào mạch sống

Tạp Chí Giáo Dục

Những gánh quà quê níu chân bao du khách
Từ bao đời nay, người dân Việt gắn bó mật thiết với nghiệp cấy cày và xem cây lúa, con trâu như bạn tâm giao. Nhờ “hạt ngọc trời ban” mà bao gia đình ấm no, hạnh phúc, bao đứa con ăn học thành tài. Vì thế, hình ảnh những cánh đồng vàng rực màu lúa chín, điểm tô thêm sắc trắng của muôn cánh cò bay luôn được mỗi người chúng ta cất vào nơi đẹp nhất của tâm hồn mình.
Tôi đến với đêm hội “Hạt lúa quê tôi” tổ chức tại Khu du lịch Bình Quới 1 vào một ngày cuối năm. Từng vệt nắng chiều đang yểu điệu nương mình trên những tán cây sum suê lá tạo nên một mảng màu đa sắc tuyệt đẹp. Tiếng trống lễ hội rộn ràng hòa lẫn vào lời rao ngọt ngào của các cô thôn nữ bên những quang gánh xếp đầy quà quê khiến nhiều người thành phố tỏ ra thích thú.
Làng quê Việt giữa lòng thành phố
Đón tôi nơi cổng chào là những hình nộm rơm với chiếc nón lá nghiêng nghiêng trên đầu như đang làm duyên. Kế đó, các bụi bắp, bụi khoai mì xanh um đẹp mắt. Ngay cổng chào là Khu làng nghề với những nghề truyền thống của người dân các vùng miền như đan giỏ, dệt lưới, xay lúa, làm bánh… Đang ngó nghiêng khắp nơi cho thỏa chí tò mò, tôi thích thú reo lên khi nhìn thấy một đám cưới xưa. Khác xa với những đám cưới sang trọng mà người thành phố hay tổ chức tại những nhà hàng có tiếng, đám cưới xưa mang một sức hút riêng: mộc mạc, giản dị và đậm chất quê. Cô dâu thẹn thùng sánh đôi cùng chú rể trong chiếc áo dài truyền thống. Lọng che đầu, lồng đèn dẫn bước, đàn trẻ nhỏ hát vè chung quanh. Bước vào một gian hàng trình bày khá bắt mắt với những bức tranh ấn tượng được làm từ… gạo, tôi thấy lòng mình lâng lâng. Trước đây tôi cứ nghĩ, gạo chỉ dùng để nấu cơm, cháo; xay thành bột làm bánh, làm bún, phở… nhưng giờ mới biết nó còn được dùng cho một mục đích khác. Điều đặc biệt là các nghệ nhân làm tranh gạo luôn tìm mọi cách giữ cho bằng được cái màu nguyên thủy của “hạt ngọc quê hương”. Điều đó chứng tỏ họ trân quý những gì mà người nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mới tạo ra được.
Chỉ cho tôi xem vài bức tranh với chủ đề Làng quê Việt, nghệ nhân Nguyễn Đăng Khoa, chia sẻ: “Từ những hạt gạo rất bình thường với mọi người, chúng tôi chọn lựa rồi sắp xếp chúng thành các bức tranh sinh động theo nhiều chủ đề khác nhau. Để làm được một tác phẩm hoàn chỉnh, nghệ nhân phải thật khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu, phối màu, tạo hình đến ghép tranh với keo. Một bức tranh được ra đời nhờ sự tỉ mẩn của một người lành nghề sau ít nhất một tuần”.
Thương sao những điệu hò quê hương
“Khu ẩm thực” thu hút nhiều thực khách với hàng trăm món ăn được chế biến từ… hạt lúa. Những “món ngon vật lạ” đến từ mọi miền đất nước phải nói là ngang tài ngang sức trong cuộc đua chinh phục người sành ăn. Bún, phở, cháo, bánh, cơm, hầu như món nào cũng có. Hương thơm quyến rũ của các món ăn dân dã khiến nhiều du khách ngậm ngùi. Họ lặng lòng khi nhớ về chuỗi ngày tháng êm đềm nơi quê nhà lúc xưa. Anh Nguyễn Văn Đại, Việt kiều Mỹ tâm sự: “Tôi thích không khí nơi đây, nó làm tôi cảm thấy gần gũi hơn. Xa nhà lâu, giờ có dịp về thăm Sài Gòn, tôi thấy mọi thứ khác lạ quá! Ước gì được như vậy hoài thì hay biết mấy”.
Chậm rãi bước trên chiếc cầu tre bắc qua sông, tôi bị cuốn hút bởi những bông hoa rực sáng trôi nhẹ nhàng trên mặt nước long lanh. Ánh sáng của trăng, của đuốc, của hoa đăng biến cả khúc sông trở thành một chuỗi màu lấp lánh nhìn hoài không chán mắt. Đang chăm chú vào những chiếc hoa đăng xanh xanh đỏ đỏ, tôi giật mình khi nghe điệu hò quen thuộc của quê hương. Cuộc sống trên sông nước của người dân miền Nam như được tái hiện rõ từng nét một. Những chiếc xuồng chất đầy hoa trái, các đôi nam thanh nữ tú vui vẻ cùng nhau trong điệu hò đối đáp, giao duyên. Kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc Việt được lần giở từng trang một trong sự tò mò pha lẫn thích thú của người nghe. Chiều làng quê say sưa trong tiếng ca. Người làng quê yêu bông lúa thiết tha. Những mẹ già ngồi trông trẻ đùa xóm dưới. Rung rung môi cười như tuổi còn đôi mươi. Những ca từ quen thuộc trong ca khúc Tình thắm duyên quê đưa những người đã bước qua thời niên thiếu đẹp nơi quê nhà quay về cùng chuỗi kỷ niệm đẹp của ngày hôm qua.
Bên dưới một tán cây to, 3 cặp nam nữ đang ngồi trên tấm gỗ lớn ca những câu vọng cổ ngọt ngào. Phía dưới là rất nhiều khán giả thuộc mọi lứa tuổi. Họ ngồi im lắng nghe, lâu lâu lại ngước lên nhìn trời hoặc lấy ngón tay đặt lên khóe mắt. Tôi hiểu họ làm vậy để ngăn không cho nước mắt của mình làm người ngồi cạnh bối rối. Và tôi cũng không ngoại lệ. Nghe vọng cổ hay đờn ca tài tử thường làm lòng người lắng xuống, có khi khiến ta thấy buồn, nhưng khi đã nghe thì phải nghe cho hết bài mới thấy đã tai.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Mong sao, sẽ có nhiều ngày hội như thế này để những người thành phố bận rộn có chút thời gian nhớ về “hương vị” quê hương.

 

Bình luận (0)