Tòa soạnThư đi – tin lại

Nỗi khổ “chuột tặc”

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi vốn sợ chuột, đã vậy thời gian qua liên tục có nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do bị chuột cắn, đồng thời đọc các bài viết về các căn bệnh truyền nhiễm từ chuột trên Báo Giáo Dục TP.HCM càng khiến cho tôi hoang mang, lo lắng hơn. Có bạn cho rằng phòng trọ của sinh viên (SV) nào hay ở bẩn, bừa bộn sẽ tạo cơ hội cho chuột “viếng thăm”. Tuy nhiên, không chỉ riêng phòng trọ của tôi mà hầu hết phòng của các SV trong khu nhà trọ ở phường 10 – quận Gò Vấp – TP.HCM đều mới xây dựng nên khá sạch sẽ. Thế mà “chuột tặc” vẫn hoành hành, chúng chạy ra chạy vào trong phòng là chuyện bình thường. Gần khu trọ của tôi có một cống nước thải rất lớn. Có lẽ chuột từ đó mà chạy vào. Yến Nhi, SV Trường ĐH Hàng hải than thở: “Vì hoàn cảnh khó khăn, mình và nhỏ bạn cùng trường phải thuê nhà trọ giá rẻ, ẩm thấp nên ngày nào cũng khổ sở chiến đấu với bọn chuột”. Vừa nói, Yến Nhi vừa cho chúng tôi xem những đoạn dây điện bị cắn đứt rời thành từng mẩu, những chiếc sạc pin bị gặm nham nhở đầy vết răng chuột, một số quyển sách bị xé rách và nhiều gói mì tôm không còn ruột…
Quyết tâm không để chuột hoành hành nên Yến Nhi luôn suy nghĩ mọi phương thức để diệt chuột. Thấy chuột có vẻ quen mùi với chỗ để bao gạo, Yến Nhi mua thuốc về để bẫy. Chuột ăn xong, trúng bả chui ngay vào gầm tủ quần áo và nằm chết ở đó, mùi hôi thối bốc lên, thế là lại phải bỏ công dọn dẹp.
Các bạn SV nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách vệ sinh phòng trọ sạch sẽ, không bừa bộn để tránh làm nơi “chuột tặc” trú ẩn. Ngoài ra, các SV cũng không nên thuê phòng trọ quá ẩm thấp.
Nguyễn Thị Giang
(ĐH Công nghiệp – TP.HCM)

Bình luận (0)