Đây chính là những dấu hiệu báo động để cha mẹ quan tâm đến con nhiều hơn, nhằm kịp thời phát hiện và nâng đỡ con trước khi tình trạng trở nên tồi tệ.
Nửa đêm, tôi nhận tin nhắn: “Cô ơi, nó lại đến! Con sợ mình không kiểm soát được nữa”. “Nó” ở đây chính là ý nghĩ tự tử mà T.U. – cô bé 15 tuổi – phải đối diện mỗi ngày. Sau lần tự tử bất thành T.U. được chẩn đoán trầm cảm.
Con là người tồi tệ?
T.U. có ba là tổng giám đốc công ty nhà nước, mẹ điều hành doanh nghiệp gia đình. Vốn sinh ra từ “vạch đích”, nên cuộc sống của em là mơ ước của nhiều đứa trẻ, thế nhưng T.U. chưa bao giờ hạnh phúc.
Hai năm trước, T.U. xuất hiện những triệu chứng mất ngủ, căng thẳng và lo âu. Những lúc lo lắng, em thường cắn móng tay hoặc bứt tóc. Đến khi trên đầu em lộ ra mảng hói lớn gia đình mới phát hiện và đưa em đi khám. Bác sĩ lý giải T.U. đang tuổi dậy thì nên tâm sinh lý thay đổi, qua giai đoạn này mọi thứ sẽ ổn định trở lại. Từ đó, gia đình phớt lờ những triệu chứng của em, cho đến ngày em tìm đến cái chết.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Nói về bản thân, T.U. luôn nhận mình tồi tệ, vô dụng, không làm được gì để ba mẹ tự hào. Em tự hỏi mình tồn tại trên đời này để làm gì?
Cùng cảnh ngộ với T.U., N.L. – nữ sinh lớp Mười – luôn dằn vặt bản thân là gánh nặng của gia đình, không xứng đáng nhận tình yêu thương của ba mẹ. N.L. tâm sự, em không kiểm soát được những suy nghĩ tiêu cực. Em ghét bản thân, em thấy mình vô dụng. Khi xuất hiện những triệu chứng mất ngủ, chán ăn và ý nghĩ tự tử… N.L. chia sẻ với mẹ và được đưa đi khám.
Trong lần khám, bác sĩ chẩn đoán em trầm cảm và yêu cầu gia đình cho em tham vấn thêm về tâm lý. Thế nhưng chẩn đoán này khiến ba em – CEO của một ngân hàng và mẹ em – một phó giáo sư… tự ái và tức giận. Họ kiên quyết buộc em phải tự vượt qua vấn đề của mình.
“Gia đình không ai hiểu em, em thật sự không thể vượt qua. Nhiều lúc em tự hỏi bản thân, vì sao em bị trầm cảm khi mà ai cũng bảo em sung sướng? Sao em không thể bình thường như các bạn.
Ba em bảo tại em suy nghĩ tiêu cực quá, em phải tích cực lên. Em cũng đã thử nhưng không sao thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng. Cái cảm giác đó kinh khủng lắm, em chỉ muốn chết đi để kết thúc nó” – N.L. chia sẻ.
Áp lực từ chính ba mẹ
Khi nghe thông tin con bị trầm cảm, hầu hết cha mẹ không tin. Với phụ huynh của những đứa trẻ sinh ra ở “vạch đích” thì càng không thể. Họ cho rằng trầm cảm chỉ có thể xảy ra với những người sống trong bất hạnh hoặc trải qua biến cố.
Làm sao một đứa trẻ có cuộc sống sung túc, luôn được ba mẹ yêu thương lại có thể trầm cảm, chẳng lẽ sung sướng cũng sinh bệnh?
Trước thông tin trầm cảm của con, cha mẹ T.U. từng phản ứng dữ dội. Họ nghi ngờ con gặp một cú sốc nào đó từ thầy cô, bạn bè dẫn đến bốc đồng và muốn tự tử. Cho đến khi T.U. trải lòng những tổn thương của mình, họ mới ngậm ngùi nhận ra họ chưa bao giờ hiểu con.
Theo T.U., em được đáp ứng đầy đủ về nhu cầu vật chất, nhưng chưa bao giờ được sống đúng với sở thích, mà luôn phải làm những điều ba mẹ muốn.
Năm lên bảy tuổi, em phải theo học hai ngoại ngữ cùng một lúc. Tiếng Anh đã khó, tiếng Hoa đối với em khó gấp bội nhưng em vẫn phải chấp nhận vừa học vừa ấm ức… Rất nhiều lần em muốn xin mẹ cho em thôi học tiếng Hoa nhưng mẹ từ chối. Em ghét đàn, ghét múa nhưng mẹ vẫn ép học… Mẹ luôn giám sát và nhắc nhở em phải học thật giỏi từ các môn học trên trường đến những môn năng khiếu.
Chỉ cần thành tích của em không tốt là mẹ chì chiết, so sánh em với bạn bè. Em phản ứng thì mẹ than thở rằng vì thương em nên phải la mắng để em có động lực phấn đấu. Em biết mẹ thương em nhưng những lời nói của mẹ khiến em bị tổn thương.
Sau những phiên trò chuyện tôi nhận ra, N.L. bị áp lực học tập quá lớn. Cơn khủng hoảng của em trở nên trầm trọng hơn trước các kỳ thi. Em căng thẳng, sợ hãi nửa muốn bỏ học, nửa muốn bản thân phải có thành tích tốt.
Chính trạng thái lo lắng, sợ hãi này khiến em không thể tập trung học tập dẫn đến kết quả sa sút. Và như một vòng tròn luẩn quẩn trong tâm trí, căng thẳng khiến em không học được dẫn đến điểm thấp, điểm thấp thì lại căng thẳng.
Áp lực của N.L. đến từ chính mong đợi, tiêu chuẩn mà em đặt ra cho bản thân, đó là “mình phải giỏi như ba mẹ”. Em thường nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng mẹ em từng là thủ khoa đại học và ba từng đoạt giải nhất học sinh giỏi toán cấp quốc gia. Em rất sợ mỗi khi ông bà, ba mẹ lấy thành tích trong quá khứ của họ ra so sánh với em.
Mẹ luôn giám sát và nhắc nhở em phải học thật giỏi từ các môn học trên trường đến những môn năng khiếu. Ảnh minh họa |
Giúp trẻ tự hào về bản thân
Với những trẻ “vạch đích” này, điểm chung của chúng là cách nhìn nhận, đánh giá về bản thân rất thấp, các em không nhận ra được những đặc điểm nổi bật của mình. Ngay cả đó là tài năng của em, em cũng chối bỏ. N.L. không tin rằng mình giỏi vẽ, dù những tác phẩm hội họa của em đoạt rất nhiều giải thưởng cấp trường và thành phố.
Các em cũng không đón nhận bất kỳ một lời ngợi khen nào, luôn nghi ngờ người khác khen là “để em vui”, hoặc “lấy lòng”, nhưng các em lại ghi nhớ sâu sắc và dễ dàng bị tổn thương bởi những lời nhận xét, phê bình từ người khác.
Nhìn chung, ở lứa tuổi thiếu niên (12-16 tuổi) trẻ bắt đầu nhận thức về sự trưởng thành. Trẻ vừa thấy mình không còn là trẻ con, vừa cảm thấy mình chưa thật sự là người lớn nhưng sẵn sàng muốn trở thành người lớn.
Đặc biệt trẻ chú ý đến khả năng, năng lực của mình và hướng tới xây dựng giá trị cho bản thân. Vì vậy, trẻ rất nhạy cảm với sự đánh giá của người khác, nhất là đánh giá về khả năng, thành công hay thất bại.
Đây còn được coi là thời kỳ quá độ từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Thời kỳ mà trẻ ở “ngã ba đường” của sự phát triển. Nếu sự phát triển được định hướng đúng, trẻ sẽ trở thành cá nhân thành đạt.
Ngược lại nếu không được định hướng tốt, đồng thời bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực, sẽ xuất hiện hàng loạt nguy cơ dẫn đến sự phát triển lệch lạc về nhận thức, thái độ, hành vi và nhân cách. Do đó, sự công nhận giá trị và định hướng từ gia đình, nhà trường trong giai đoạn này rất quan trọng đối với trẻ.
Mặt khác, để giúp trẻ gia tăng sự tự tin và niềm tự hào bản thân, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời yêu cầu con phụ giúp việc nhà, chia sẻ trách nhiệm với cha mẹ.
Khi cha mẹ làm hết mọi việc, đứa trẻ trở nên lười biếng, dễ sinh ra cảm giác vô dụng, thừa thãi khiến trẻ tự ti. Nhiều trẻ chia sẻ, chúng nghi ngờ ba mẹ không tin tưởng nên không giao bất kỳ việc gì cho mình.
Không khó nhận biết một đứa trẻ bất ổn tâm lý, bởi triệu chứng bất ổn thường bộc lộ rất sớm như: dễ cáu giận, lo lắng thái quá, mất ngủ, ương bướng… Tuy nhiên, cha mẹ dễ nhầm lẫn với những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì nên hay phớt lờ mà không hỗ trợ con.
Bất ổn kéo dài đến độ tuổi 14-16 thường xuất hiện những triệu chứng nặng nề hơn như: mất động lực học tập, mất hứng thú với những việc yêu thích, biếng ăn, thích ở một mình, chăm chút đến ngoại hình thái quá như trang điểm hoặc muốn phẫu thuật thẩm mỹ.
Đây chính là những dấu hiệu báo động để cha mẹ quan tâm đến con nhiều hơn, nhằm kịp thời phát hiện và nâng đỡ con trước khi tình trạng trở nên tồi tệ.
Theo Chuyên viên tâm lý Linh Giang/PNO
Bình luận (0)