Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Nỗi khổ” của những cây cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân ngang nhiên lấn chiếm để bày bán hàng trên cầu Điện Biên Phủ. Ảnh: N.K
Từ lâu, việc chiếm dụng những cây cầu để làm nơi tụ tập buôn bán hoặc dừng xe hóng gió đã trở nên rất phổ biến trên địa bàn TP.HCM. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ra quân dẹp loạn nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Những hành vi này không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến các phương tiện lưu thông trên cầu.
Bán hàng lấn chiếm cầu
Việc những người dân ngang nhiên lấn chiếm để bày bán hàng trên cầu Điện Biên Phủ (đường Điện Biên Phủ, phường Đakao, quận 1) đã trở thành chuyện thường ngày. Khoảng tầm 4 giờ chiều, khi dòng người đi làm về bắt đầu đông cũng là lúc các xe hàng xuất hiện ngày càng nhiều. Không chỉ có xe bán cây kiểng, hải sản các loại như nghêu, sò lông… mà còn có các xe hoa quả như bắp, mía, lê-ki-ma, bơ… Dường như việc bán hàng trên cầu diễn ra rất thuận lợi. Không cần phải mời chào nhiều, chỉ trong vòng 20 phút, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khách hàng đứng lại để mặc cả và mua bán. Chị Nguyễn Thị Tâm (quận Bình Thạnh) cho biết: “Dừng lại mua thế này rất thuận tiện, không phải xuống xe mất thời gian, hơn nữa hầu hết mua ở các xe lề đường này giá có khi lại còn rẻ hơn ở chợ, người bán cũng nhiệt tình hơn”.
Tương tự, tại chân cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận 12 – Gò Vấp) hàng rong được bày bán tràn lan, gây nên tình trạng vô cùng bát nháo. Những xe cá kiểng, xe rau củ và cả những loại gia cầm như gà vịt… chiếm hết phần hành lang dành cho người đi bộ, khiến nhiều người dân phải đi tránh xuống lòng cầu rất nguy hiểm. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm khi lượng xe qua lại đông thì việc buôn bán trên cầu rất dễ gây ra tình trạng ùn tắc và các vụ tai nạn không đáng có.
Hầu hết trên các cây cầu đều có bảng: “Cấm tụ tập, buôn bán” nhưng những người dân thiếu ý thức vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Không chỉ người bán mà cả người mua cũng không biết rằng việc làm của mình là vi phạm giao thông. Khi được hỏi, bạn Nguyễn Trung Nam (sinh viên Hutech) vô tư cho biết: “Người bán mới là người vi phạm còn mình chỉ đứng lại mua thôi mà, có cung có cầu, sao gọi là vi phạm được”.
Tụ tập hóng gió trên cầu
Vào những buổi tối, để giải quyết nhu cầu có một nơi đi dạo mát, hóng gió, rất nhiều người dân đã chọn các cây cầu lớn làm địa điểm tập kết của mình.
Khoảng 19 giờ, lề bộ hành trên cầu Thủ Thiêm (nối giữa quận 2 và quận Bình Thạnh) đã chật kín người. Vô số xe máy dựng sát mép đường còn chủ xe thì tụm năm tụm bảy trên hành lang cầu ngồi trò chuyện, hóng mát. Phải đến tầm 21 giờ thì lượng xe và người này mới bắt đầu có dấu hiệu giảm đi.
Cầu Bình Lợi (bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài) mới thông xe khoảng gần năm nay nhưng cũng chịu chung số phận. Dường như cây cầu mái vòm này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho hàng trăm người dừng xe ngắm cảnh mà đối tượng chính là những thanh niên trẻ. Họ vô tư ăn uống, chụp hình trên hành lang cầu mà không biết rằng mình đang vi phạm giao thông và gây ảnh hưởng lớn đến phương tiện lưu thông trên cầu. Chị Nguyễn Hương Quỳnh (quận Bình Thạnh) biện minh cho hành động của mình: “Đứng trên cầu này vừa mát vừa ngắm được cả thành phố nên thỉnh thoảng gia đình tôi hay lên cầu, chỉ đứng tí rồi về nên chắc không ảnh hưởng mấy đến giao thông”.
Hàng loạt xe máy dựng la liệt nối đuôi nhau, kéo dài gần hết cả cây cầu không chỉ tạo nên cảnh lộn xộn mà còn gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng giao thông. Cùng với đó những người bán hàng rong cũng xuất hiện ngày càng đông, những xe cá viên chiên, xe kem, xe nước ngọt… đi qua đi lại mời chào càng làm cho tình trạng thêm hỗn loạn.
Thỉnh thoảng, khi cảnh sát giao thông và lực lượng dân phòng xuất hiện thì những người dân vội vàng nổ máy xe đi. Nhưng khi cảnh sát giao thông và dân phòng đi khỏi thì tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.
Các cây cầu này thường có mật độ người qua lại rất lớn, chính vì vậy hành động dừng xe hóng gió trên cầu không chỉ làm giảm diện tích làn xe chạy mà còn che khuất tầm nhìn của người đi đường, dễ gây nên những tai nạn đáng tiếc. Hơn nữa, sau mỗi lần tụ tập của nhiều người trên cầu là những vỏ chai, vỏ hộp, bịch nilon… bị bỏ lại rất mất cảnh quan đô thị.
Kim Ngân
Người dân cần có ý thức hơn
Cầu là một công trình giao thông quan trọng, đảm bảo lưu thông cho mọi hoạt động. Vì vậy, đã đến lúc người dân nên có ý thức hơn trong việc chấp hành đúng Luật Giao thông trên cầu để tránh gây ra tình trạng tắc nghẽn, đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân và cho những phương tiện tham gia giao thông khác.
 
 

Bình luận (0)