5 năm nay, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, gồm cả giờ học và giờ chơi. Đáng nói, công tác chuyển đổi số trong từng tiết học lại được trường đẩy mạnh, đi đầu.
Tiết học Lịch sử và Địa lý lớp 9/8, Trường THCS Lê Văn Tám không diễn ra ở lớp học truyền thống mà diễn ra ở phòng máy của thư viện. Giờ học cực kỳ thú vị khi học sinh được chơi game trong suốt gần 30 phút của tiết học. Thời gian còn lại, học sinh hoàn thành phiếu khảo sát về kiến thức đã học được từ game…
Cô Trần Thị Huyền- tổ trưởng tổ Lịch sử và Địa lý, Trường THCS Lê Văn Tám thông tin, game trong tiết học mô phỏng về chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26/4 đến ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từng giai đoạn lịch sử được tái hiện trong game thông qua các cột mốc, khi học sinh hoàn thành mỗi level cũng là lúc các em học từng giai đoạn. Sau khi hoàn thành game, học sinh sẽ làm phiếu khảo sát về chiến dịch Hồ Chí Minh về các mốc thời gian, địa điểm…
Khi được học qua các trò chơi CNTT, học sinh vô cùng thích thú. Các em say mê vừa chơi, vừa ghi chép lại các cột mốc thời gian và địa điểm lịch sử.
“Lịch sử và Địa lý là môn học thú vị nhưng chỉ thú vị khi thầy cô sáng tạo trong cách giảng dạy thì bài học mới không nhàm chán. Tiết học hôm nay, kiến thức bài học được học thông qua chính trò chơi game thú vị, giờ học rất thoải mái, nhẹ nhàng mà hiệu quả”- Nguyễn Hoàng Minh Nhật, học sinh lớp 9/8 chia sẻ.
Đây chỉ là một trong những tiết học diễn ra hàng ngày tại Trường THCS Lê Văn Tám, nằm trong nỗ lực chuyển đổi số giáo dục, ứng dụng CNTT thúc đẩy dạy và học tại trường. Qua đó, mang lại nhiều tín hiệu tích cực nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Tuy nhiên, đáng nói đây lại là trường áp dụng quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, bao gồm giờ học và giờ chơi, trong suốt nhiều năm nay.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho hay, khoảng 5 năm nay, quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường đã trường áp dụng.
Vào mỗi giờ ra chơi, khuôn viên sân trường đều nhộp nhịp học sinh vui chơi, học tập. Các em cùng nhau chơi đá cầu, cầu lông, đá bóng, chơi cờ vua, đọc sách, cùng nhau ôn lại bài, hoặc dàn thành từng tốp nói chuyện, vui đùa. Nhà trường cũng trang bị riêng khu vực điện thoại bàn dành cho học sinh liên hệ với phụ huynh khi cần thiết và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, học sinh có thể mượn điện thoại bất cứ thầy cô nào để liên hệ với gia đình trong trường hợp cần thiết.
Sở dĩ đưa ra quy định này từ sớm, theo thầy Nguyễn Anh Tuấn- trước đây qua khảo sát có tới 90% học sinh nhà trường có điện thoại thông minh. Vào giờ ra chơi các em sử dụng điện thoại rất nhiều. Khi giáo viên đến kiểm tra thì đa phần các em đều chơi game, tham gia mạng xã hội. Thậm chí có trường hợp học sinh mê game mà lén lút chơi trong giờ học, lấy tiền của ba mẹ để nạp thẻ game. Nguy hiểm hơn là tình trạng bạo lực mạng xã hội, tạo các group kín tẩy chay lẫn nhau…
“Quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường từ những ngày đầu đã được phụ huynh rất đồng thuận. Khi học sinh vi phạm, nhà trường sẽ tạm giữ điện thoại và mời phụ huynh vào để cùng giáo dục học sinh. Suốt nhiều năm nay, nhà trường không có tình trạng học sinh nói xấu nhau trên mạng xã hội, các em vui chơi, học tập rất hoà đồng…”- thầy Tuấn nói.
Không điện thoại di động, để thực hiện chuyển đổi số giáo dục hiệu quả, Trường THCS Lê Văn Tám hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nay trường có 2 phòng máy vi tính với 100 máy tính, phục vụ học sinh học tin học và các giờ học có sử dụng máy tính. Đặc biệt, thư viện thông minh nhà trường là không gian lý tưởng để giáo viên tổ chức các tiết học ứng dụng CNTT, hỗ trợ tốt học sinh học tập với không gian mở.
“Trường khuyến khích thầy cô tổ chức các giờ học ở phòng máy, thư viện. Mỗi học sinh đều có một tài khoản riêng để truy cập vào hệ thống học tập LMS của trường. Vào mỗi tuần, giáo viên xây dựng kế hoạch và đăng ký với nhà trường để tổ chức. Trong suốt nhiều năm nay, đã tạo thành nếp của trường, giúp việc chuyển đổi số nhà trường rất nhịp nhàng, hiệu quả”- thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)