Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nói không với việc sử dụng sừng tê giác

Tạp Chí Giáo Dục

Dùng hàng ngàn hạt đậu bé nhỏ xếp thành tranh cổ động “Hãy nói không với việc sử dụng sừng tê giác” là hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức không sử dụng sừng tê giác dành cho học sinh tiểu học, vừa diễn ra tại Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM).

Tham gia hoạt động này có hàng ngàn học sinh và giáo viên đến từ 24 quận/huyện trên địa bàn thành phố. Nhiều bức tranh xếp hình tê giác ngộ nghĩnh, dễ thương bên cạnh những vòng tay bảo vệ của con người. Nhiều bức là những câu thông điệp giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác và tất cả mọi người cần chung tay bảo vệ loại động vật này… Em Hoàng My (học sinh Trường TH Nguyễn Thái Bình, Q.1) chia sẻ: “Em rất yêu quý động vật. Theo em tìm hiểu thì hiện nay có một số loài tê giác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ: Tê giác đen hiện đang sống ở châu Phi chỉ còn khoảng 5.000 cá thể, tê giác Ấn Độ sống ở Ấn Độ và Nepal còn khoảng hơn 2.000 cá thể, tê giác Sumatran sống ở Indonesia chỉ còn 275 cá thể, hay tê giác Java sống ở Indonesia còn 40 cá thể… Nguyên nhân tuyệt chủng phần lớn do sự săn bắt của con người, bởi nhiều người tin rằng sử dụng sừng tê giác sẽ giúp họ khỏe mạnh hơn. Nhưng sự thật thì sừng tê giác chỉ chứa chất “keratin”, như móng tay con người, không giúp con người khỏe mạnh được”. Hoàng My cho biết thêm, thông qua những bức tranh, em mong muốn mọi người nên hiểu rõ tác dụng của sừng tê giác và không nên sử dụng chúng; không nên săn bắt mà hãy cùng nhau bảo vệ tê giác”.

Học sinh đến từ 24 quận/huyện đang xếp tranh cổ động “Hãy nói không với việc sử dụng sừng tê giác”

Mặc dù việc xếp tranh bằng hạt đậu không dễ dàng, tuy nhiên các em học sinh tham gia hết sức hào hứng, nhiệt tình. Nhiều em cẩn thận trong từng bước xếp hạt để tranh hoàn thành được đẹp nhất, nổi bật và ý nghĩa nhất. Cô Nguyễn Thị Thanh Tân, giáo viên dạy vẽ Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.1), cho biết: “Giáo dục học sinh biết yêu quý, bảo vệ động vật là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Các em không chỉ nắm được kiến thức về loài tê giác, nguy cơ tuyệt chủng mà còn biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường động vật, thực vật và sống tích cực hơn. Mặt khác, kiến thức ở trường luôn được các em khắc sâu, sau đó tuyên truyền đến bạn bè, người thân và cả cộng đồng xã hội”.

Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Cơ quan quản lý công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) và Bộ NN&PTNT tổ chức. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc ngăn chặn hành vi buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cho học sinh những kiến thức về nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác trên thế giới. Qua đó chính các em tác động đến người thân, gia đình, cộng đồng xã hội giảm mua bán, nhu cầu sử dụng sừng tê giác.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

 

Bình luận (0)