Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nối lại đường bay quốc tế: Phải gỡ rào cản tâm lý e ngại của khách

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như dịch COVID-19 được kiểm soát, các chuyến bay quốc tế sẽ từng bước được khôi phục lại tùy thuộc vào từng quốc gia khi các nước gỡ bỏ yêu cầu cách ly sau khi đến sân bay.

Chỉ khi nào thị trường quốc tế mở cửa, ngành hàng không mới có hy vọng phục hồi. (Ảnh: Hoàng Anh/Vietnam+)

Chỉ khi nào thị trường quốc tế mở cửa, ngành hàng không mới có hy vọng phục hồi. (Ảnh: Hoàng Anh/Vietnam+)

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường nội địa hàng không Việt Nam đang dần dần phục hồi. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia cho rằng, chỉ khi nào thị trường quốc tế mở cửa, ngành hàng không mới có hy vọng phục hồi.

Vậy, các quốc gia và ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị ra sao để đưa du khách trở lại với việc nối lại các đường bay quốc tế?

Phụ thuộc vào đối tác nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Bộ sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước, dự kiến đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nêu rõ những khó khăn khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế khi đưa khách vào Việt Nam.

Cụ thể, hiện chưa có bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam trong khi Bộ hướng dẫn này là tài liệu cần thiết để Nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.

“Việc thiết lập các chuyến bay thưởng lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam,” Thứ trưởng Tuấn nói.

Theo ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thế giới vẫn còn nhiều điểm bùng nổ dịch chưa kiểm soát được, chưa kể những khu vực có nguy cơ tái bùng phát dịch. Kể cả khi dịch có lắng xuống mà chưa có vaccine thì khó có thể yên lòng.

“Việc mở lại đường bay quốc tế được các quốc gia ứng xử rất khác nhau. Có nước thận trọng, đánh đổi kinh tế để đảm bảo an toàn nhưng cũng có những quốc gia mở cửa nên sẽ cần phải có những dàn xếp, thoả thuận, mở cửa dần dần,” ông Thiên nhìn nhận.

Dù vậy, ông tin rằng hết mùa hè này, nhiều nước sẽ mở cửa. Việt Nam với kinh nghiệm chống dịch của mình cũng cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế, tạo đà cho phát triển kinh tế song vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng, thị phần khách quốc tế ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Hiện, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam

“Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với COVID-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn,” ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Cần phương pháp tiếp cận đa lớp

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết trên thế giới, một số quốc gia đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble – di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển). Theo đó, những quốc gia/vùng lãnh thổ đã có kết quả kiểm soát dịch COVID-19 mang tính khả quan sẽ từng bước mở việc đi lại với nhau.

“Trước mắt, có thể nghiên cứu việc mở dần với từng quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc tham gia từng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble) nhưng mới hạn chế chỉ ở nguồn khách đi lại trực tiếp trong nội vùng, chưa cho phép vận chuyển khách nối chuyến từ các nước thứ 3 ngoài vùng để đảm bảo việc kiểm soát nguồn khách,” đại diện Cục Hàng không cho hay.

Theo ông Jim Haas, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm, Tập đoàn Boeing, các chuyến bay nội địa sẽ được khôi phục lại trước, bởi trong nước không bị hạn chế bởi quy định cách ly. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế khi đến vẫn còn phải áp dụng thời gian cách ly nên sẽ khó khăn hơn.

“Các chuyến bay quốc tế sẽ từng bước được khôi phục lại tùy thuộc vào từng quốc gia khi các nước gỡ bỏ yêu cầu cách ly sau khi đến sân bay. Theo một khảo sát, hiện nay hành khách đang có tâm lý e ngại đối với việc di chuyển bằng máy bay bởi nỗi lo bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển và phải cách ly một thời sau khi đến sân bay điểm đến. Tâm lý e ngại này cũng là một yếu tố làm chậm quá trình khôi phục các chuyến bay,” ông Jim Haas nhìn nhận.

Noi lai duong bay quoc te: Phai go rao can tam ly e ngai cua khach hinh anh 1
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phan Công/Vietnam+)

Khẳng định đối với Boeing, không có gì quan trọng hơn sức khỏe của hành khách và phi hành đoàn trên mặt đất cũng như trên các chuyến bay, ông Jim Haas cho rằng, Boeing đang hợp tác với các đối tác trong ngành hàng không đưa ra các giải pháp như thực hiện khử trùng máy bay; quy trình và thủ tục hàng không (đeo khẩu trang, kiểm tra sức khỏe của mình, đo thân nhiệt…); áp dụng công nghệ lọc không khí hiện đại để đảm bảo kể cả có người nhiễm virus ở trên máy bay thì xác suất lây nhiễm cho người khác cũng sẽ bị giảm thiểu…

“Những phương pháp tiếp cận đa lớp này sẽ bảo vệ hành khách tại tất cả các bước trong hành trình di chuyển của mình, trước khi đến sân bay, khi đã đến sân bay và khi đã ngồi trên máy bay,” vị Giám đốc Tiếp thị sản phẩm, Tập đoàn Boeing nhấn mạnh.

“Boeing hợp tác với các bên liên quan trong ngành như các cơ quan chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội về sân bay, các cơ quan nghiên cứu học thuật, các hiệp hội của ngành hàng không… Tất cả các bên liên quan cần hợp tác với nhau để tạo thành hệ thống xuyên suốt và liền mạch để bảo vệ hành khách. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, không ai xem đó là việc riêng của mình và cũng không có sự cạnh tranh,” ông Jim Haas bày tỏ quan điểm./.

Theo Việt Hùng/Vietnam+

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)