Niềm mong muốn xuất phát từ trái tim dạt dào yêu thương được thể hiện trong từng nét chữ viết tay của Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) gửi ông Tổng Giám đốc UPU vào năm 2174 đã xuất sắc đạt giải nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53, năm 2024.
Quang Minh còn có sở thích chơi cờ vua
Ý nghĩa cuộc sống qua từng lá thư tay
15 tuổi, Nguyễn Đỗ Quang Minh trầm tính hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Minh thích học các môn văn, sử, mê đọc sách, vẽ tranh và nuôi dưỡng ước mơ theo ngành đồ họa, làm những bộ phim hoạt hình tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Minh kể, khi đọc thông báo về chủ đề cuộc thi UPU lần thứ 53, em rất thích và muốn viết một bức thư tham dự. Mục tiêu hướng đến của lá thư ấy, Minh muốn bộc bạch những suy nghĩ trong lòng mà bấy lâu em chưa có dịp thổ lộ. “Được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải nhất, em rất tự hào. Em hạnh phúc hơn vì lá thư của mình được nhiều bạn bè đọc được và cũng có chung cảm nhận về ý nghĩa từ những lá thư do chính tay mình cầm bút viết”, Minh chia sẻ.
Với chủ đề của cuộc thi: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”. Minh đã vào vai một nhân viên bưu điện già tên Pulattie, 72 tuổi ở ngôi làng Ông già Noel, Rovaniemi, Lapland, Phần Lan, nằm trong Vòng Bắc Cực để viết một bức thư gửi ông Tổng Giám đốc UPU năm 2174.
Trong thư Minh viết: “Công việc của tôi bận rộn quanh năm, nhưng tôi rất hạnh phúc. Mỗi năm, chúng tôi nhận hàng triệu bức thư của trẻ em khắp thế giới. Tôi đọc không sót bức nào, sau đó viết thư hồi âm và gửi những món quà từ các tổ chức từ thiện đến trẻ em dịp Noel. Tôi vừa là người nhận thư, vừa đưa thư trong vai Ông già Noel đã hơn 10 năm, và tôi cảm nhận ý nghĩa cuộc sống qua từng lá thư nhỏ”.
Với tâm hồn trong trẻo của một cậu thiếu niên, Minh tin rằng, nếu không có ông già Noel thì thế giới ảm đạm biết bao, cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan. Ông già Noel vẫn sẽ sống mãi. Hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ khắp hành tinh này. “Lá thư truyền cảm hứng cho tôi trở thành một Ông già Noel mang thông điệp hạnh phúc đi khắp thế giới. Thưa ông, 150 năm qua, nhờ sự đồng hành của UPU mà chúng tôi mới thấu hiểu trẻ em khao khát điều gì. Trẻ em tin rằng Ông già Noel chỉ thích đọc thư tay, nên chúng nắn nót từng chữ và gửi đi bằng tất cả niềm tin”, Minh khẳng định.
Mong muốn được kết nối yêu thương
Trong thư Minh chia sẻ, thế giới càng phát triển, con người càng xa cách nhau, dần trở nên vô cảm với nhau. Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương, chúng cần lắm một nơi để giãi bày tâm sự. Chúng khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng tin sẽ có người lắng nghe để được nhận lại tình yêu thương. Đó chỉ có thể là Ông già Noel. Vì thế, Minh hình dung, 150 năm tới hay xa hơn nữa thì khi nhân loại dùng thư điện tử và nhiều phương tiện liên lạc hiện đại khác, tất cả các bưu cục toàn thế giới sẽ vẫn có hòm thư tay miễn phí cho trẻ em, khi viết thư gửi Ông già Noel.
Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53, năm 2024 tại Việt Nam do Bộ TT-TT, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của 1,5 triệu học sinh trên khắp mọi miền đất nước. Bức thư tay của Nguyễn Đỗ Quang Minh xuất sắc đoạt giải nhất và được gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Pháp tới Văn phòng UPU để đại diện học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế. |
Minh bảo, việc tự tay mình cầm bút, nắn nót từng nét chữ để viết ra một bức thư diễn tả mong muốn của mình có cảm xúc hơn nhiều lần so với đánh trên máy tính. Với người đọc, khi cầm trên tay bức thư tay hẳn sẽ xúc động hơn nhiều lần. Vì thế, thư tay sẽ tạo ra sự gắn kết giữa người thân, bạn bè, thậm chí với cả người xa lạ lần đầu gặp gỡ. Không chỉ 150 năm sau mà ngay cả hiện tại, Minh cũng mong muốn trẻ em duy trì việc viết thư tay để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình đến ông bà, ba mẹ, thầy cô và bạn bè. Minh tin khi đó, các mối quan hệ sẽ trở nên gắn kết và vui tươi hơn: “Có người đã từng nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương. Bắc Cực không lạnh khi có ngôi làng của sự kết nối đầy ấm êm và thương mến như vậy”, Minh trải lòng.
Nói về chuyện cả hai con trai đoạt giải nhất Cuộc thi viết thư UPU, mẹ của Quang Minh là cô Đỗ Thị Cẩm Nhung, giáo viên dạy văn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), cho biết bức thư do chính con trai lên ý tưởng, tìm tòi thông tin để đưa ra những lập luận cho riêng mình. Mẹ chỉ chỉnh một số ý nhỏ cho con.
Hỏi cô Nhung về bí quyết giúp cho con trai yêu văn học, cô cho biết từ khi con còn rất nhỏ, cứ mỗi tối sau giờ lên lớp, cô sẽ ngồi đọc sách cùng con rồi để con tự nói lên suy nghĩ của mình về nội dung trong mỗi cuốn sách. Nhờ thế tình cảm mẹ con gắn kết hơn và con cũng tạo được thói quen đọc sách, diễn đạt tốt những ý tưởng và suy nghĩ của mình.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)