Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lo an ninh bệnh viện: Bác sĩ liên tiếp bị hành hung

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc bác sĩ bị hành hung, đập phá BV khi có sự cố y khoa xảy ra, thậm chí vì mâu thuẫn lẫn nhau rồi kéo vào BV ẩu đả, đánh cả nhân viên y tế… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và công tác khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ…

Thân nhân người bệnh ở Nghệ An hành hung bác sĩ vì cho rằng chưa tận tình với bệnh nhân (Ảnh trích từ camera bệnh viện cung cấp)

Liên tiếp nhiều vụ việc nghiêm trọng

Vụ việc bác sĩ bị hành hung mới đây nhất vào khoảng 20 giờ ngày 23-10, nạn nhân là BS Trần Văn Sơn – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) bị trọng thương vỡ hốc mắt. 

Trước đó, ngày 24-8, chị Lê Thị Toan (nhân viên y tế phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nam thanh niên hành hung trong lúc làm nhiệm vụ đi giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Khoảng 21 giờ ngày 18-8, BS Hoàng Thị Minh (chuyên Khoa Răng – Hàm – Mặt, BV Đa khoa 115 Nghệ An) đang làm nhiệm vụ trực cấp cứu tại BV thì bị người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Nam (26 tuổi, nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông) thóa mạ, hành hung vào mặt và đầu vì cho rằng bệnh nhân vào viện đã lâu nhưng không được quan tâm. Ngày 12-7, tại BV Việt Yên (Bắc Giang), một bác sĩ sau khi xử lý vết thương nhỏ ở cánh tay và khuỷu tay cho một bệnh nhân thì bị một người đi cùng nhóm người bệnh ném máy đo huyết áp vào vùng đầu, phải khâu 5 mũi…

Nói về nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trong môi trường y tế trở nên đáng báo động trong thời gian vừa qua, ThS.BS CKII. Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu chia sẻ: “Đại đa số các nhân viên y tế vẫn đang tận tâm với nghề, hết lòng, hết sức phụng sự cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vấn đề là vẫn còn một số rào cản dẫn đến sự thiếu cảm thông, bức xúc của thân nhân, bệnh nhân đối với nhân viên y tế như: Việc giao tiếp – trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế và thân nhân bệnh nhân chưa hiệu quả; nhiều BV chưa xây dựng được quy trình để thông tin đầy đủ cho bệnh nhân trước, trong và sau khi thực hiện các phẫu thuật điều trị, quy trình xử lý khi xảy ra sự cố y khoa dẫn đến việc lúng túng trong quá trình trao đổi và xác định nguyên nhân sự việc; và môi trường chăm sóc y tế nói chung vẫn chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, ở nhiều cơ sở y tế còn có sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng bảo vệ bệnh viện, thiếu quy trình nhận diện và ứng phó hiệu quả với các đối tượng quá khích, chưa có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của công an địa phương và công an 113 khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng”.

Pháp luật cần nghiêm khắc với hành vi côn đồ

Với thâm niên hàng chục năm công tác trong lĩnh vực hỗ trợ người nghiện có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, ông Lê Bá Hoàng – Giám Đốc Cơ sở cai nghiện Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Trong quá trình tiếp nhận người nghiện ma túy vào đơn vị, đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thăm khám lập bệnh án ban đầu, phân loại người nghiện mới, tái nghiện nhiều lần. Sau đó tiến hành biện pháp cắt cơn giải độc. Hầu hết người nghiện khi vào cơ sở, giai đoạn ban đầu đều có hành vi chống đối, biểu hiện hoảng loạn, la hét đập phá… Năm 2015, một học viên quá kích đánh cán bộ gãy 3 xương sườn, phải cấp cứu. Lường trước mọi vấn đề có thể xảy ra, ban lãnh đạo cơ sở luôn chú trọng đến an ninh, từ đầu đến cuối quá trình cắt cơn, giải độc đều có sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ nhằm bảo đảm sức khỏe nhân viên y tế không bị xâm hại”.

“Hiện nay chưa có luật dành riêng cho đối tượng hành hung nhân viên y tế, do đó kiến nghị lớn nhất là pháp luật cần có những quy định chế tài nghiêm khắc răn đe những đối tượng trên. Đồng thời, công tác an ninh BV phải được xem trọng. Nhân viên bảo vệ cần phải được thường xuyên tập huấn phản ứng nhanh đối với những sự cố tương tự, có phối hợp với công an địa phương để kịp thời giải quyết những sự cố đột ngột xảy ra” (PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM).

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Nhân viên y tế đang làm việc trong môi trường đặc thù là cứu người nhưng lại bị hành hung thì không những ảnh hưởng đến bản thân người nhân viên y tế đó mà còn cả người bệnh đang được cứu chữa. Hiện nay chưa có luật dành riêng cho đối tượng hành hung nhân viên y tế, do đó kiến nghị lớn nhất là pháp luật cần có những quy định chế tài nghiêm khắc răn đe những đối tượng trên. Đồng thời, công tác an ninh BV phải được xem trọng. Nhân viên bảo vệ cần phải được thường xuyên tập huấn phản ứng nhanh đối với những sự cố tương tự, có phối hợp với công an địa phương để kịp thời giải quyết những sự cố đột ngột xảy ra. Trong tình hình hiện nay, ngoài khám chữa bệnh, BV bắt buộc phải cải thiện ứng xử giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng cấp cứu phải thông tin cho người thân biết rõ, tránh những phản ứng không hay”.

Thương Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)