Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lo an ninh bệnh viện: Đạo chích “ảo thuật”

Tạp Chí Giáo Dục

Để đảm bảo an ninh, hầu hết các bệnh viện đã áp dụng các biện pháp như trang bị hệ thống camera quan sát hiện đại, tăng cường công tác tuần tra của lực lượng đội ngũ nhân viên bảo vệ… Thế nhưng, những đối tượng đạo chích vẫn làm “ảo thuật”, lấy đi nhiều tài sản của người bệnh, thân nhân nuôi bệnh.

Bảo vệ luôn giám sát những khu vực đông đúc tại BV ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: A.Tri

Bất an ngay trong bệnh viện

Bà Võ Thị Trung (60 tuổi, quê Tiền Giang), đã 5 năm liền điều trị căn bệnh ung thư vú tại BV Ung Bướu cho biết: “5 năm tui vào viện ra viện, chứng kiến và nghe không biết bao nhiêu vụ người bệnh trong viện bị rạch túi, móc bóp, lừa đảo… Có người vay mượn mang hết tiền đi chữa bệnh, chưa kịp nộp viện phí thì loáng một cái đã bị trộm “thó” mất trắng, khóc lóc quằn quại gần như phát điên. Mỗi người trong khoa gom góp một ít để giúp người ta có tiền nộp viện phí nhưng không ăn thua”.

Đầu tháng 6-2017, trong lúc chờ nộp tiền viện phí, bệnh nhân Đỗ Thị Việt Hà (SN 1984, quê Đăk lăk, điều trị tại BV ĐH Y Dược TP.HCM) trở thành nạn nhân của một nữ đối tượng móc túi chuyên nghiệp tên H. nhưng may mắn, hành vi của chị đã bị lực lượng bảo vệ của bệnh viện phát hiện bắt quả tang, bà Hà được trả lại chiếc ví với tổng số tiền hơn 7 triệu đồng. Đối tượng H. là một trong hàng chục đối tượng “cộm cán” tung hoành tại nhiều BV, từng bị lực lượng công an phường xử lý liệt vào “danh sách đen” nhưng hết lần này đến lần khác vẫn ngựa quen đường cũ.

Cũng tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, ngày 24-8, anh Nguyễn Văn Đ. (ngụ Bình Dương) trình báo để quên túi xách có tài sản là chiếc Ipad màu trắng cùng số tiền gần 7 triệu đồng. Truy xuất camera, bảo vệ BV phát hiện nhân viên vệ sinh dịch vụ tại BV là đối tượng khả nghi hàng đầu. Sau nhiều giờ đồng hồ làm công tác tư tưởng, nữ nhân viên thú nhận do nổi lòng tham nên chiếm đoạt tài sản của người bệnh. Ngay lập tức, nữ nhân viên này bị dừng hợp đồng và buộc phải trả lại tài sản cho người đã mất.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 cho đến nay, lực lượng bảo vệ tại BV ĐH Y Dược TP.HCM đã phát hiện và chặn đứng được 13 vụ việc trộm cắp móc túi tại BV, giao 15 đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp cho cơ quan công an địa phương để có biện pháp xử lý. Tại BV Nhân dân Gia Định, chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, BV đã xử lý trục xuất 31 đối tượng nghi ngờ có hành vi trộm cắp tài sản, 3 đối tượng có hành vi gây mất trật tự tại BV, trả lại tài sản bị mất cắp cho 5 bệnh nhân… Theo phản ánh, số vụ việc, đối tượng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời chỉ là những con số bề nổi. Thực tế nhiều vụ việc không được trình báo.

Chiêu thức tinh vi khó kiểm soát

Theo BS Nguyễn Đức Trí – Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định: “Hiện tại, mỗi ngày BV tiếp nhận rất đông bệnh nhân lẫn người nuôi bệnh. Tâm lý của người bệnh là lo lắng khám chữa, lại không biết trước được chính xác số tiền cần cho viện phí là bao nhiêu nên thường mang theo rất nhiều tiền mặt. Lợi dụng tâm lý chủ quan, chưa có ý thức bảo vệ tài sản của người bệnh và tình trạng lộn xộn chen chúc, những đối tượng xấu giở trò trộm cắp là vấn đề rất khó kiểm soát triệt để ở tất cả các BV, cơ sở y tế nói chung”.

Thực tế, hầu hết các BV đã triển khai những biện pháp an ninh như: “Trang bị hệ thống camera quan sát, tăng cường đội ngũ nhân viên bảo vệ nhưng những băng nhóm đạo chích vẫn có những chiêu trò để qua mặt, gây ra các vụ việc trộm cắp” – anh N.A.T – Trưởng phòng quản trị tòa nhà, BV Đại học Y Dược TP.HCM thông tin.

Phó Giám đốc  BV Nhân dân Gia Định BS Nguyễn Đức Trí cho hay: “Ban lãnh đạo BV luôn đốc thúc và trực tiếp chỉ đạo nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp quan sát màn hình camera 24/24, để nhanh chóng phân tích những đối tượng nghi ngờ sớm ngăn chặn. Ngoài ra nhiều biện pháp được thực hiện như lập danh sách các đối tượng trộm cắp, lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra nếu phát hiện sẽ yêu cầu trục xuất ngay ra khỏi BV; đẩy mạnh triển khai và khuyến khích bệnh nhân đăng ký khám theo hẹn để giảm bớt lưu lượng bệnh nhân ở từng thời điểm, hạn chế môi trường đông đúc thuận lợi cho các đối tượng thực hiện hành vi xấu. Đồng thời nhắc nhở người bệnh cần có thái độ cảnh giác chủ động bảo vệ tài sản của bản thân”.

Thương Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)