Các thai phụ tham gia một buổi tư vấn tâm lý về những vấn đề cần lưu ý trước khi sinh. Ảnh: M.H |
Mang thai khiến cơ thể thai phụ biến đổi kéo theo nhiều diễn biến tâm lý phức tạp gây ra không ít lo lắng, mặc cảm ở phụ nữ.
Sợ sinh
Cuối cùng anh Trí Hoàng, chị Thu Hà (24 tuổi Q.Bình Thạnh) cũng đạt được mong muốn năm rồng sinh con trai. Thế nhưng, do sinh con so nên chị Thu Hà không tránh khỏi lo lắng về việc sắp đảm nhiệm thiên chức làm mẹ. Chị bày tỏ: “Nghe nói sinh con đầu lòng là giai đoạn khó khăn nhất, đặc biệt là những ai có xương chậu hẹp, xương chậu lệch. Tôi lo lắng quá, đã bàn phương án xin sinh mổ với BS mà chưa nhận được sự đồng ý vì không phải ai cũng được sinh mổ”. Trong khi đó, chị Thùy Anh (26 tuổi, Q.3) lại lo lắng: “Ba tháng nữa mới đến ngày sinh mà da bụng tôi đã rạn hết cả rồi. Không biết sinh xong da bụng có săn chắc như ban đầu được không?”.
BS nhi khoa Nguyễn Lệ Bình – Trưởng đơn vị tâm lý chu sinh, BV Hùng Vương TP.HCM cho biết: “Những lo lắng của thai phụ thường rơi vào ba tháng cuối thai kỳ là nhiều. Lúc này, thai kỳ lớn rất nhanh, người mẹ cảm thấy nặng nề, mong muốn sinh con để trút gánh nặng, lấy lại vóc dáng. Song không ít thai phụ sinh con lần đầu, thiếu kiến thức, thường ngộ nhận sinh nở là hành trình “hành xác”, đau đớn kéo theo lo lắng về cuộc vượt cạn một mình… khiến quá trình sinh nở thiếu hợp tác hoàn toàn với BS, gây ức chế co rút cổ tử cung gây không ít khó khăn. Mặt khác, diễn biến tâm lý ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn khó khăn của cơ thể người mẹ chấp nhận thai. Vì giai đoạn này có hiện tượng nghén hay thai hành. Chỉ đến ba tháng giữa là giai đoạn ổn định, dễ chịu nhất của thai kỳ vì thai phụ hết nghén và thường mơ về đứa con kháu khỉnh, thông minh”.
Những vấn đề thai phụ cần lưu ý
BS. Lệ Bình cho biết: “Với sự thay đổi của kích thích tố trong cơ thể thời kỳ mang thai, thai phụ trở nên rất nhạy cảm, cùng với các diễn biến tâm lý khác nhau trong môi trường sống khiến không ít thai phụ dễ bị stress dẫn đến nguy cơ trầm cảm sau sinh và khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ. Khi đó đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong phát triển cơ thể cũng như khó hình thành một nhân cách lành mạnh, chuẩn bị cho việc học tập và thích nghi với xã hội sau này. Vì thế, trước khi sinh, thai phụ cần tránh những xung đột không đáng có. Tránh xem phim kinh dị, bạo lực thay vào đó là những phim nhẹ nhàng, hoặc nghe các loại nhạc nhẹ yêu thích. Nên tập thể dục nhẹ nhàng, chủ yếu là thở đúng cách, thư giãn… để lấy lại trạng thái cân bằng và bình tâm. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng thành công trong việc tự giúp mình bình tâm, họ cần được chồng, gia đình, tạo mọi điều kiện để dễ dàng vượt qua những khó khăn của việc thay đổi kích thích tố, thai hành, biến đổi cơ thể. Mặt khác, để đảm bảo sức khỏe tốt cho mẹ và con, thai phụ cần lưu ý chế độ ăn uống cho phù hợp. Thời kỳ ba tháng đầu nên ăn nhiều trái cây sạch, trong bữa cơm ăn với số lượng bình thường, nên ăn đa dạng và những món mình thích để có cảm giác hưng phấn cũng như để tránh táo bón. Cố gắng ăn sạch, uống sạch và không gần những người mắc bệnh cảm cúm, nhiễm siêu vi. Thời kỳ ba tháng giữa, ăn tăng số lượng lên, ăn theo nhu cầu. Đây là thời kỳ giảm nghén, thai phụ cảm thấy thoải mái nhất. Thời kỳ ba tháng cuối, thai nhi phát triển nhanh, thai phụ nên ăn nhiều hơn, cần bổ sung một lượng calci và sắt bên cạnh chế độ ăn đủ chất, không quên tập thể dục nhẹ nhàng cho tâm trạng thư thái”.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)