Khi hệ thống y tế tập trung vào chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong đại dịch, sẽ dẫn đến lỗ hổng trong việc chăm sóc các loại bệnh khác. Điều này cần có đánh giá một cách khoa học để có giải pháp.
Một trường hợp được đưa đi cấp cứu trong thời đại dịch. DUY TÍNH
Nhóm nghiên cứu của Việt Nam gồm: TS.BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức và các bác sĩ thuộc Đại học Y Dược TP.HCM, Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, Đại học Y Dược Huế và Hội Y học dự phòng và y tế công cộng tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa đưa ra bàn luận một số vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân không nhiễm Covid-19 khi điều trị tại các bệnh viện hỗn hợp (vừa điều trị Covid-19, vừa điều trị các bệnh khác).
Nhóm nghiên cứu viện dẫn những chứng cứ khoa học quốc tế để cảnh báo trong đại dịch Covid-19, ngoài tập trung lo cho bệnh nhân Covid-19 thì cần quan tâm các loại bệnh khác…
Thế giới gia tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh khác
Theo nhóm nghiên cứu của Việt Nam, đến tháng 1.2021, đã có hơn 100 triệu người trên thế giới nhiễm Covid-19 và hơn 2 triệu người tử vong. Covid-19 đã trở thành vấn đề y tế công cộng toàn cầu trong giai đoạn 2019 – 2021, do đó gần như toàn bộ hệ thống y tế cũng như chính sách y tế đã tập trung đến dịch bệnh này với tiêu chí ngăn ngừa sự lây nhiễm cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, đã có những báo cáo cũng như nghiên cứu trên thế giới chỉ ra thực trạng về lỗ hổng trong chăm sóc các bệnh lý không liên quan đến Covid-19 nói chung cũng như trong hoạt động khám, chữa bệnh nói riêng. Những sự điều chỉnh nguồn lực y tế cũng như chính sách y tế tại nhiều quốc gia gần như chỉ tập trung cho dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc và ảnh hưởng tới bệnh nhân không mắc phải Covid-19.
Theo đó, một nghiên cứu năm 2020 tại Anh trên 32.583 bệnh nhân ung thư vú, 24.975 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, 6.744 bệnh nhân ung thư thực quản và 29.305 bệnh nhân ung thư phổi ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng lên từ 5% – 10% so với thời điểm 5 năm trước do sự chậm trễ trong chẩn đoán trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Anh.
Một nghiên cứu khác tại Ý vào năm 2021 cho biết, tác động của việc thay đổi cấu trúc hệ thống chăm sóc sức khỏe trên bệnh nhân không mắc Covid-19 làm tỷ lệ tử vong ngoại viện tăng đáng kể (43,2%) và tử vong ngoại viện do nguyên nhân cụ thể liên quan đến ung thư tăng 76,7%, nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa tăng 79,5% và tử vong do bệnh tim mạch tăng 32,7%. Đại dịch đã làm giảm đột ngột số lần khám và nhập viện của bệnh nhân không mắc Covid-19 trong giai đoạn các bệnh viện hoạt động theo mô hình chia đôi (một nửa điều trị bệnh nhân Covid-19 và một nửa điều trị bệnh thông thường).
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng nhận thấy nhiều người trì hoãn việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trong thời kỳ đại dịch Covid-19 do sợ lây nhiễm hoặc để tránh tạo gánh nặng cho dịch vụ y tế, do đó sức khỏe tâm thần sẽ bị ảnh hưởng bởi lo âu liên quan đến đại dịch, về việc làm và tình hình tài chính cũng như những biện pháp kiểm soát (giãn cách xã hội, phong tỏa và cách ly).
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng khẳng định rằng, việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong đại dịch bị trì hoãn, người dân có xu hướng tự điều trị thay vì đến các cơ sở y tế vì các nỗi sợ liên quan đến lây nhiễm Covid-19. Điều này dẫn đến các nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai có thể nhận lấy những hậu quả đáng tiếc.
Nhóm nghiên cứu viện dẫn các nghiên cứu năm 2020 tại châu Âu và Trung Quốc cũng kết luận rằng, cần phải hiểu rõ gánh nặng của sức khỏe tâm thần liên quan đến Covid-19 ở những nhóm dân số có nguy cơ cao như người lớn tuổi, những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, những người có bệnh nền hoặc những bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện trong đại dịch vì những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâm sàng, chất lượng cuộc sống.
Không “bỏ rơi” bệnh nhân trong giai đoạn này
Ngày 5.8.2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1068 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp theo là Công điện số 1168 ngày 7.8.2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong, đồng thời duy trì công tác khám, chữa bệnh thường quy. Công điện của Bộ Y tế quy định các bệnh viện dành tối thiểu 40% giường để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương trở thành khu vực "nguy cơ rất cao".
Theo nhóm nghiên cứu của Việt Nam, đến cuối tháng 8.2021, số ca mới mắc trong cả nước đã lên hơn 10.000 ca mỗi ngày trong đó TP.HCM và Bình Dương chiếm hơn 8.000 ca. Bên cạnh các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 chuyên sâu thì đã có nhiều bệnh viện được chuyển đổi thành bệnh viện hỗn hợp, vừa điều trị Covid-19 vừa thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh thông thường.
Nhóm nghiên cứu Việt Nam cho rằng, hiện nay, mô hình bệnh viện điều trị hỗn hợp đang được triển khai tại nhiều nơi. Tuy nhiên các bằng chứng cho thấy đây có thể là rủi ro cho việc tăng nặng hơn các triệu chứng rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Việc một bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú hoặc khám, chữa bệnh thông thường có thể bị chậm trễ do sự thay đổi cấu trúc hoạt động và thiếu nhân lực trong thời gian đại dịch đã gây ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về lây nhiễm chéo, chứng kiến cái chết của những bệnh nhân nhiễm Covid-19 có thể tạo ra những bất lợi về tâm lý, từ đó làm thay đổi sinh lý của bệnh nhân dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, giảm hiệu quả điều trị.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phải có những đánh giá và công bố khoa học về vấn đề đã nêu trên để đảm bảo các giải pháp phải xuất phát từ bằng chứng cụ thể và thuyết phục. Tuy nhiên, trước mắt cần triển khai nhanh những mô hình điều trị phù hợp hơn để giúp cho bệnh nhân không nhiễm Covid-19 được điều trị tốt hơn và không bị “bỏ rơi” trong giai đoạn này.
Việc áp dụng các phương pháp khám chữa bệnh từ xa, như khám bệnh online, khám bệnh qua điện thoại sẽ phần nào giải quyết được nhu cầu của bệnh nhân khi người bệnh không cần phải tới cơ sở y tế, sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm và qua đó hạn chế sự lo âu, căng thẳng của bệnh nhân.
Ngoài ra, cũng cần đến các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin toàn dân, các gói hỗ trợ an sinh xã hội đến nhóm dễ bị tổn thương nói chung và bệnh nhân không mắc Covid-19 nói riêng để duy trì được sức mạnh của ý chí, giúp mọi người tự chăm sóc được bản thân và tránh tình trạng hoảng loạn, lo âu trong bối cảnh hiện nay.
Tính đến sáng 8.9, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã khiến 550.996 người nhiễm Covid-19, trong đó có 311.710 người khỏi bệnh và 13.701 người tử vong. Riêng TP.HCM đã có 266.366 người mắc và 10.938 người tử vong.
|
Theo Duy Tính/TNO
Bình luận (0)