Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lo “giang hồ nhí”

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm gây án có dấu hiệu trẻ hóa, gia tăng về mức độ manh động, liều lĩnh, côn đồ và coi thường pháp luật, coi thường mạng sống người khác.

Một phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo tuổi đời còn quá trẻ nhưng đã giết người vì mâu thuẫn cá nhân

Một phút nông nổi, ôm hận cả đời

Câu chuyện về những “giang hồ nhí” chỉ mới 16, 17 tuổi nhưng đã tự xưng là dân “anh, chị”, thành lập băng nhóm với trong tay hàng chục đàn em, khi nào cũng có sẵn vũ khí nóng mang theo bên mình không còn xa lạ hiện nay. Mới đây, một nhóm giang hồ khoảng hơn 20 người cầm theo mã tấu, hung khí tới khu vực quán cà phê Effoc số 3 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình (Q.1) để “thanh toán” đối thủ của mình. Những 9X cầm đầu hàng chục đối tượng đem hung khí truy sát người khác chỉ vì mâu thuẫn cá nhân làm dư luận không khỏi hoang mang.

Ngày 7-11, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án bị cáo Nguyễn Đức Tài (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) về tội “Giết người”. Trước đó, ngày 5-5, TAND TP.HCM mở phiên tòa xử sơ thẩm và tuyên Nguyễn Đức Tài mức án tử hình. Cho rằng mức án đó là quá nặng nên sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo hồ sơ vụ án, chỉ vì bênh bạn gái khi bị “nhìn đểu” mà Tài đã dùng dao đâm hai nạn nhân dẫn đến tử vong. Phiên tòa phúc thẩm đã hoãn lại để bảo đảm quyền lợi cho bị cáo. Những giọt nước mắt muộn màng của Tài tại phiên tòa không thể xóa đi tội lỗi mà trong một phút nông nổi, Tài đã gây ra. Có thể thấy, tội phạm nhí không chỉ là mối lo ngại, sợ hãi của người dân, mà trên hết mỗi một tội phạm thành niên là nỗi đau, là sự bất lực của gia đình, xã hội. Với các em, mọi sự trừng phạt, răn đe chỉ là biện pháp cuối cùng.

Những vụ án xảy ra thời gian gần đây có không ít vụ án xuất phát từ những bất đồng, cự cãi nhỏ nhặt, va quệt trên đường hay chỉ đơn giản là một cái “nhìn đểu” như vụ án của Nguyễn Đức Tài. Chỉ cần một hành động mà “giang hồ nhí” cảm thấy khó ưa, một cái nhìn được cho là thiếu thiện chí thì ngay lập tức các đối tượng có thể tụ tập băng nhóm, vác hung khí truy sát nhau.

Nỗi đau của gia đình và xã hội

“Giang hồ nhí” đã thật sự dấy lên mối lo ngại về các băng nhóm “ngầm” ngày càng lộng hành, liều lĩnh. Qua thực tế các vụ án cho thấy các đối tượng khi gây án đều từng uống bia, rượu hoặc từng sử dụng ma túy, chất kích thích… trong trạng thái không làm chủ được chính mình nên gây ra án mạng. Đa phần trong các vụ án có nguyên nhân từ xích mích trong cuộc sống, các đối tượng có tuổi đời khá trẻ, chưa hiểu biết hết luật pháp và chưa nhận thức được hành động, hậu quả do mình gây ra.

“Giang hồ nhí” đã thật sự dấy lên mối lo ngại về các băng nhóm “ngầm” ngày càng lộng hành, liều lĩnh. Qua thực tế các vụ án cho thấy các đối tượng khi gây án đều từng uống bia, rượu hoặc từng sử dụng ma túy, chất kích thích… trong trạng thái không làm chủ được chính mình nên gây ra án mạng.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), “hiện nay, mạng xã hội bùng nổ khiến cho việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng. Trong thông tin được tiếp nhận, nếu người trưởng thành sẽ biết sàng lọc, lựa chọn thông tin để tiếp cận. Tuy nhiên, với người trẻ chưa thành niên, việc lựa chọn thông tin để tiếp cận không có sự chín chắn để sàng lọc. Do đó, với tâm lý háo thắng, bồng bột, sĩ diện, thích thể hiện cái tôi của bản thân nên bộc phát các hành vi nông nổi, thiếu suy nghĩ đến hậu quả”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, đẫm máu. Khi bị kích động và không làm chủ được bản thân, nhất là gặp mâu thuẫn xảy ra với chính mình, các đối tượng thường bị cuốn vào cách ứng xử bạo lực và hành động một cách côn đồ, máu lạnh.

Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án liên quan đến những “giang hồ nhí”, các em đều bước ra từ những mảnh vỡ của gia đình. Những đứa trẻ đó đều phải vào đời từ rất sớm, từ những hoàn cảnh sống éo le như cha mẹ tù tội, cha mẹ bỏ nhau…

“Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến hành vi. Các bạn trẻ hay bị lôi kéo, kích động trong khi thông tin bây giờ có rất nhiều thông tin xấu dễ bị chi phối. Hậu quả xảy ra đều rất đáng tiếc bởi nó để lại hệ lụy cho các em và gia đình, xã hội. Khi thực hiện hành vi, các bạn trẻ không ý thức hết hậu quả nên những vụ án gần đây thường để lại hậu quả nghiêm trọng khó lường. Do đó, việc quan tâm, giáo dục và định hướng thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh cho các em trong tuổi vị thành niên là điều hết sức cần thiết”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.

Để mỗi đứa trẻ lớn lên trong sự thương yêu, giáo dục đúng đắn, tránh được con đường lạc lối, trở thành người có ích cho xã hội, đó là trách nhiệm của mỗi gia đình và đồng thời cũng là trách nhiệm của nhà trường, xã hội…

Bài, ảnh: Thục Quyên 

Bình luận (0)