Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lo ngày nghỉ lễ

Tạp Chí Giáo Dục

Những dịp nghỉ dài ngày như dịp 30-4, 1-5 vừa qua, phần lớn mọi người đều hào hứng. Các em nhỏ tha hồ được vui chơi thỏa thích, không phải bận tâm với chuyện học hành, cánh đàn ông thì cũng là cơ hội được giao lưu, trò chuyện với người thân, bạn bè… Song, không phải chị em nào cũng hứng thú với ngày nghỉ, bởi những ngày này thì phụ nữ là người vất vả, mệt mỏi nhất với mọi thứ cơm nước, chợ búa, chăm sóc con cái… Được “nghỉ” mà lại bị stress, căng thẳng hơn ngày thường.

Quả thực, không chỉ học tập, làm việc bận rộn con người mới bị mệt mỏi, lo lắng. Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ hiện nay, một điều trớ trêu là dù được nghỉ ngơi, giải trí mà vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế thì trước những áp lực, bức bối của cuộc sống, nhiều người vẫn không biết xử lý ra sao để thoát khỏi chúng. Không ít người sau những kỳ nghỉ mà vẫn cứ than phiền là uể oải, mất thăng bằng, mất nhiều năng lượng vì phải tham gia nhiều “tăng”, không đảm bảo sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần. Cộng thêm vào đó, ăn uống không điều độ, sinh hoạt không hợp lý, ngủ không đúng giờ, gặp gỡ tiếp xúc nhiều người làm tăng áp lực. Chỉ 2 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật chị Linh (Biên Hòa, Đồng Nai) đã cảm thấy “hết chịu nổi” vì phải lo nấu nướng cho chồng nhậu nhẹt. Sau khi ăn nhậu xong, chồng chị với đám bạn đi uống cà phê thì mình chị phải loay hoay dọn dẹp, xử lý đống chén bát và thức ăn thừa. Thực hiện công việc trong tâm trạng bực bội, khiến chị luôn cảm thấy đầu óc như “búa bổ”. Đó là chưa kể những ngày nghỉ dài ngày, chỉ cần đối mặt với những lựa chọn khác nhau của hai cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn là chị Linh lại chóng mặt. Mỗi người mười ý, bàn ra tán vào, khi chọn được địa điểm để đi chơi, hay món ăn chúng thích là chị đã quá ngán ngẩm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia tâm lý, trong làm việc cũng như giải trí cần phải sắp xếp hợp lý, có kế hoạch rõ ràng giữa nghỉ ngơi, giải trí, cân đối việc gia đình, việc cơ quan hay việc học tập, tránh để “nước đến chân mới nhảy”. Quyết tâm hoàn thành công việc trước khi nghỉ ngơi, gác mọi việc không cần thiết, tạo tâm lý thoải mái, nghỉ ngơi là phải thực sự được thư giãn. Vì thế, không nên cố gắng hoặc theo đuổi những kế hoạch vui chơi, du lịch quá sức chịu đựng về mặt thể chất cũng như tinh thần. Vui chơi, giải trí nhưng ăn uống, ngủ nghỉ cũng phải điều độ. Phải biết kiềm chế và dừng đúng lúc, biết từ chối tham gia những chương trình không cần thiết và không tạo được sự hào hứng cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghỉ ngơi, thư giãn không nhất thiết là phải tham gia các trò chơi sôi nổi mà dành cho mình một khoảng không gian lặng lẽ, yên tĩnh, để tâm hồn và trái tim được thư thái, thanh thản. Hãy hướng tới những công việc như tham khảo tài liệu, đọc sách báo, vui chơi cùng gia đình, thăm họ hàng nội ngoại… để thực sự cân bằng tâm lý, sẵn sàng khởi đầu cho những ngày mới tiếp theo.

Văn Công (ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)