Trước thực trạng sông biển xâm thực gây sạt lở nhiều nơi ở các làng quê thuộc hai huyện Núi Thành và Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) thời gian gần đây đã khiến hàng chục hộ dân thấp thỏm nỗi lo sông, biển lấn làng…
Sạt lở bãi biển Hà Lộc đe dọa đến nhà cửa của người dân
Nỗi lo của người dân
Đợt mưa bão số 4 và 5 vừa qua, nước lũ đổ về từ thượng nguồn rất mạnh đã khiến hơn 200m bờ sông Kôn, đoạn chảy qua thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Bà Trần Thị Nhơn, trú thôn Thái Chấn Sơn dẫn chúng tôi ra mé sông, nơi cách nhà bà không xa, cho biết: “Lực nước chảy về từ thượng nguồn rất mạnh. Đây lại là khúc cua trên dòng sông nên chỉ trong tích tắc nước cuốn phăng hàng chục mét đất xuống lòng sông. Cây cối, hoa màu theo đó bị cuốn trôi sạch. Nhà tôi bị sạt mất 3 sào ổi đang cho trái sắp thu hoạch. Tình trạng này kéo dài nếu không có phương án đê kè bảo vệ thì nỗi lo sông lấn làng chẳng mấy nữa mà thành sự thật”.
Theo người dân địa phương, vài năm trở lại đây sông Kôn đã có sự biến đổi dòng chảy rất lớn, tạo nên những đoạn xung yếu có chiều dài bất thường, gây sạt lở nghiêm trọng. Xã Đại Hưng được xem là vùng “rốn lũ”, mỗi năm nơi này đều gánh chịu nhiều trận lũ lớn. Trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, chính quyền xã Đại Hưng huy động các lực lượng dân quân, thanh niên, các hội, đoàn thể… cùng với người dân trồng cây, làm bờ kè tạm để phòng, chống sạt lở. UBND xã cũng đề nghị các cấp xem xét hỗ trợ xây kè. Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cũng đã tham mưu cho UBND huyện các giải pháp. Trong khi chờ đợi có giải pháp cụ thể, người dân vẫn thấp thỏm nỗi lo ruộng nương tiếp tục bị xâm lấn.
Đường xuống bến cá Tam Tiến (Hà Lộc) bị sóng biển đánh hư hỏng
Ông Tăng Tấn Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho rằng chỉ có kè cứng bằng bê tông cốt thép mới ngăn chặn được tình trạng sạt lở bờ sông Kôn ở khúc cua qua thôn Thái Chấn Sơn. Chúng tôi mong huyện sớm bố trí ngân sách đầu tư để bà con an tâm sản xuất.
Tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tình trạng biển xâm thực cũng diễn ra nghiêm trọng. Theo người dân sống lâu năm ở vùng đất này, trước đây, biển chỉ ăn sâu vào vài mét rồi qua thời gian bồi lấp lại. Tuy nhiên, mùa mưa bão năm 2022 đã khiến khoảng 1,5km bờ biển bị sạt lở với chiều sâu lên tới 10m. Có gần 30 ngôi nhà của các hộ dân nằm dọc khu vực ven biển này đang đối diện với nguy cơ sụt lún nhà. Ông Trần Văn Sáu, một người dân ở thôn Hà Lộc cho biết, biển ngày một lấn sâu vào đất liền. Tôi cùng bà con đã mua tre về đóng xuống dọc bờ biển tạo thành bờ kè nhưng chừng ấy không đủ để cự lại được với sóng dữ. Bà con chúng tôi rất lo”.
Sạt lở bờ sông ở thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng)
Có nhà nằm sát bờ biển Hà Lộc, ông Ngô Văn Truyền tỏ ra lo lắng: “Đợt bão vừa qua sóng đánh mạnh đã gây sạt lở vườn nhà tôi dài tới 30m. Đêm ngủ hễ nghe tiếng sóng vỗ mạnh là nơm nớp lo. Sóng biển đánh mạnh đến nỗi những khối bê tông bị phá tan tác, nhiều bao cát bị cuốn trôi ra biển, việc đi lại của bà con ra biển giờ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong sớm có các giải pháp chống sạt lở để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng, nếu để kéo dài thì tình trạng sạt lở chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn”.
Cần đảm bảo an toàn cho người dân
Theo chân ông Truyền ra tận bờ biển Hà Lộc, nơi tình trạng sạt lở đang xảy ra, chúng tôi nhận thấy nhiều đoạn biển xâm lấn vào rất sâu trong đất liền, tạo ra những hàm ếch sâu. Tại các mảng bê tông bờ kè bị vỡ nát, người dân đã dùng các tấm tôn xi măng hoặc cọc tre đóng xuống bờ biển làm bờ kè tạm thời nhằm chống xói lở. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời trước những cơn sóng lặng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chính quyền địa phương cùng với ngành chức năng đã đi khảo sát, thực tế tại khu vực sạt lở thôn Hà Lộc. Huyện cũng đã kiến nghị bố trí kinh phí từ Trung ương để xây dựng kè cứng, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ sắp tới.
Theo thống kê sơ bộ, mùa mưa lũ năm 2022 đã gây ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó có khoảng 1.000m bờ biển và khoảng 6.000m bờ sông bị sạt lở… Câu chuyện xây kè chống sạt lở không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành. Vì vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có phương án lâu dài, không chỉ xây kè chống sóng biển xâm thực đất liền mà cần đưa ra các dự báo để có phương án sớm nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân, giúp bà con an tâm sản xuất. |
Thống kê sơ bộ, mùa mưa lũ năm 2022 đã gây ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó có khoảng 1.000m bờ biển và khoảng 6.000m bờ sông bị sạt lở… Câu chuyện xây kè chống sạt lở không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành. Vì vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có phương án lâu dài, không chỉ xây kè chống sóng biển xâm thực đất liền mà cần đưa ra các dự báo để có phương án sớm nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân, giúp bà con an tâm sản xuất.
Hàn Giang
Bình luận (0)