Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lo tai nạn ở sân diều

Tạp Chí Giáo Dục

Con diều “khủng” như thế này có thể kéo cả người điều khiển lên độ cao hàng trăm mét khi có gió giật mạnh.
Tai nạn diều xảy ra chiều 15-3 khiến đứa trẻ 5 tuổi tử vong một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý những sân diều tự phát tại TP.HCM.
Không ít người cho rằng, cháu Văn Minh Đạt (5 tuổi, ngụ Xuân Thới Đông 2, huyện Hóc Môn) bị diều cuốn lên độ cao 20m rơi xuống tử vong là một tai nạn hy hữu. Tuy nhiên, theo những người chơi diều lâu năm, với một chiếc diều “khủng”, khi gặp gió mạnh có thể kéo cả người lớn đang điều khiển lên độ cao hàng trăm mét. Và khi ngưng gió, diều sẽ lao xuống với tốc độ cao do trọng lượng của người rất lớn dẫn đến chết là bình thường.
Cần lắm một sân diều
Đau lòng hơn, cháu Đạt không phải là người chơi diều. Tai nạn xảy ra khi em chạy nhảy, vô tình chân mắc vào dây diều và bị diều cuốn khi gặp gió. Anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên một câu lạc bộ diều tại TP.HCM cho biết cách đây chưa lâu anh cũng bị diều cuốn khi đang loay hoay điều chỉnh lại khung sườn. Anh Hùng kể: “Diều nằm dưới đất, tôi đang điều chỉnh một số chi tiết thì bất ngờ gió giật mạnh. Theo quán tính tôi chụp lấy mớ dây diều để giữ lại thì bị cuốn lên cao. Cũng may là ngưng gió ở độ cao vừa phải và tôi chỉ bị xây xát nhẹ”. Theo anh Hùng, anh và con diều tiếp đất an toàn mới thật sự là chuyện hy hữu. “Ai cũng nghĩ là tôi sẽ chết. Với sức cuốn của gió thì buông tay cũng chết mà cố bám giữ dây diều cũng chết”, anh Hùng bàng hoàng nhớ lại.
Thả diều là một thú chơi lành mạnh thu hút nhiều người, đủ mọi thành phần tham gia nhưng sân chơi dành cho bộ môn này vẫn chưa có. Cái tên cánh đồng diều Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có từ nhiều năm nay cũng chỉ là một khu đất dự án lâu năm chưa được sử dụng. Trước đó, tại P.Tân Phong, Q.7 (khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Cảnh sát Nhân dân bây giờ) và khu đất dự án nhà cao tầng Sunrise City (lúc chưa xây dựng) được xem là cánh đồng diều lớn nhất Nam Sài Gòn. Ở đó có một không gian lý tưởng, thích hợp cho những cánh diều “khủng” sải cánh nhưng trong giới chơi diều chuyên nghiệp thì vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Khoảng 20 năm trước, Đồng Diều (Q.8) là một địa chỉ lui tới của dân chơi diều chuyên nghiệp và cả không chuyên. Địa điểm này đã bị “xóa sổ” khi khu đất được quy hoạch thành trung tâm hành chính của quận.
TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung từng đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, Festival diều châu Á và quốc tế tổ chức trong và ngoài nước nhưng một sân chơi chuyên nghiệp xứng tầm thì còn bỏ ngỏ. Đó cũng là một trở ngại không nhỏ đối với sự phát triển, thu hút lớp kế cận sau này. “Mỗi lần muốn tập dợt chuẩn bị đi thi phải ra tận Vũng Tàu, thậm chí đến Đà Nẵng rất tốn kém chi phí, trong khi đó kinh phí cho sân chơi này hầu như không có”, anh Hùng nói.
Kỹ năng xử lý tình huống
Vì không có sân diều nên từ lâu TP.HCM đã xuất hiện nhiều điểm thả diều tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đặc biệt là với trẻ em. Những điểm thả diều thiếu an toàn như trên thành cầu Nguyễn Tri Phương, lòng đường, dọc bờ kênh bên đại lộ Võ Văn Kiệt và thậm chí xuất hiện ngay cả trên sân thượng của một số ngôi nhà. Hình ảnh những đứa trẻ mải mê chạy theo con diều lơ lửng dưới đường dây điện, lao xuống đường giữa dòng xe cộ… mà không khỏi rùng mình.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng (Trung tâm Văn hóa TP.HCM) cho rằng, thả diều là một trò chơi dân gian không chỉ trẻ con mà người lớn cũng say mê với nó. Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, TP.HCM cần phải có một sân diều an toàn, có khu quy hoạch dành cho dân chơi diều chuyên nghiệp, khu dành cho không chuyên, khu trẻ em. Ông Vân gợi ý, Sân vận động Phú Thọ cũng là một nơi lý tưởng để quy hoạch thành nơi thả diều. Và an toàn hơn, cần giới hạn độ cao của diều bay. Ông Vân cũng chia sẻ thêm, ở một số nước Đông Nam Á, cụ thể như Malaysia, ngay tại thành phố lớn đều có sân diều mà bất kỳ người dân nào cũng có thể đến thả mà không tốn phí.
Bài, ảnh: Trần Anh
Theo ông Vân, trẻ em chơi diều, dù là diều chợ (diều nhỏ dành cho trẻ em) cũng cần được trang bị những kỹ năng xử lý mọi tình huống, cụ thể là khi diều bị mắc vào dây điện, diều đang bay thì đứng gió bổ nhào xuống đất, bất ngờ bị diều cuốn… Hiện ở một số trung tâm văn hóa quận có các lớp hướng dẫn làm diều miễn phí, ở đó trẻ sẽ được học các kỹ năng xử lý tình huống.
 

Bình luận (0)