Có thông tin trên tờ báo mạng cho biết các loại thuốc ngừa thai dạng uống đã được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) khẳng định là một trong 116 thứ gây ung thư ở người và được xếp vào nhóm 1 cùng với rượu bia và thuốc lá.
Tư vấn kế hoạch hóa gia đình tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) – Ảnh: Duyên Phan |
Cũng theo thông tin này, loại viên thuốc ngừa thai có chứa những chất tương tự như estrogen và progesterone ở người làm tăng khả năng ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư gan ở phụ nữ sử dụng chúng. Thực hư thế nào?
Nhiều tác dụng phụ
Chị Trần Thị Hải H. (33 tuổi, Q.1, TP.HCM) kể khoảng nửa năm trước, do chị ngưng dùng thuốc tránh thai hằng ngày nên chị có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Sau đó chị bị đau đầu, nôn ói.
Thấy hoang mang, lo lắng nên chị đến phòng khám kiểm tra và được bác sĩ cho biết chị bị phản ứng với tác dụng phụ của thuốc và khuyên chị không nên sử dụng loại thuốc này mà phải có biện pháp tránh thai lâu dài.
Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà, trưởng khoa sản Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, cho biết với thuốc tránh thai dùng hằng ngày, hàm lượng nội tiết tố thấp hơn thuốc tránh thai khẩn cấp nên an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn.
Tuy nhiên, thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ, gây nhức đầu, buồn nôn và nôn, gây nám da, thay đổi tâm trạng, trầm cảm, rong huyết rỉ rả, căng và đau vú, nguy hiểm hơn là có nguy cơ thuyên tắc mạch, đông máu. Sử dụng thuốc tránh thai có thể có biến chứng như thuyên tắc tĩnh mạch, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, nguyên giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, khuyến cáo những người trên 35 tuổi, thường xuyên hút thuốc, tiền sử nguy cơ bị tim mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiền sử bị thuyên tắc mạch, ung thư vú, đái tháo đường biến chứng, người đang bị chức năng gan suy giảm tuyệt đối không nên uống vì dễ gây ra tai biến, bệnh nặng hơn.
Tỉ lệ ung thư có cao hơn nhưng không đáng kể
Theo bà Lưu Thị Hồng, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, trước khi chỉ định cho phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai, ở nước ngoài bác sĩ sẽ cho chị em trả lời một bảng câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi như men gan có cao không, tiền sử gia đình có người thân như mẹ, chị gái bị ung thư cổ tử cung, ung thư vú không…
“Ở VN thì không dựa vào bảng câu hỏi này để kết hợp chỉ định được, vì phụ nữ ở VN ít đi khám sức khỏe thường xuyên, nhiều người còn không biết mình đang có/có nguy cơ mắc bệnh gì. Cũng có người không được khám sàng lọc từ trước cứ sử dụng thuốc ngừa thai, sau này được phát hiện bị ung thư thì nghĩ rằng do dùng thuốc ngừa thai dài ngày, trong khi có thể họ có bệnh từ trước hoặc thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh”- bà Hồng nói.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Tuấn Anh, Bệnh viện K, cho rằng từ lâu y văn ghi nhận nội tiết là một trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, mô vú.
Người phơi nhiễm kéo dài và nồng độ cao nội tiết tố nữ như có kinh sớm, mãn kinh muộn, dùng thuốc nội tiết thay thế ở phụ nữ mãn kinh, có thai lần đầu muộn, không có con… là các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú.
Một nghiên cứu dịch tễ ở 50 quốc gia cho thấy dùng thuốc tránh thai chỉ tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú và sau khi dừng thuốc trên 10 năm thì nguy cơ giảm xuống tương tự người không dùng.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn Anh cho rằng dùng thuốc tránh thai làm thay đổi môi trường sinh lý tại cổ tử cung, dẫn đến dễ nhiễm các chủng HPV, có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nhưng bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh đây là nguy cơ, bệnh ung thư có thể do nhiều yếu tố nguy cơ tương tác, việc phơi nhiễm với một yếu tố nguy cơ thì không nhất định sẽ mắc ung thư.
Do nguy cơ ung thư ở nhóm có dùng thuốc tránh thai có tăng hơn nên bà Hồng cho rằng trước khi quyết định sử dụng phương pháp tránh thai bằng thuốc, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Các gia đình có mẹ ruột, chị em gái ruột mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung nên làm xét nghiệm gen để xác định có nguy cơ hay không trước khi được chỉ định.
Chưa có thông báo chính thức từ WHO Cơ chế tác dụng của thuốc ngừa thai là làm cho tinh trùng không gặp được trứng bằng cách: ức chế sự rụng trứng trong cơ thể người phụ nữ, cản trở sự di chuyển của tinh trùng do làm đặc chất dịch ở cổ tử cung, nếu trứng gặp tinh trùng rồi thì thuốc ngăn trứng thụ tinh gắn với nội mạc tử cung. Thuốc ngừa thai có tác dụng như trên là vì trong 1 viên thuốc thường phối hợp chứa hai dẫn chất estrogen và progesterone. Thực chất đây là 2 hormone sinh dục có sẵn ở phụ nữ. Từ lâu người ta đã biết khi dùng làm thuốc, dù estrogen có bản chất xuất phát từ hormone của người, nó lại gây nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt làm tăng nguy cơ gây ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư gan ở phụ nữ dùng nó lâu dài. Nhưng người ta cũng ghi nhận là estrogen lại giúp người phụ nữ dùng nó ít có nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung hơn phụ nữ không dùng thuốc. Chính vì estrogen có nguy cơ vừa kể mà có lời khuyên cho người phụ nữ dùng thuốc ngừa thai loại uống: Thuốc có nguồn gốc hormone nói chung, trong đó có estrogen, phải để bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng. Riêng thuốc ngừa thai loại uống, phụ nữ khi muốn dùng thuốc loại này tốt nhất nên đi khám ở bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc, nhằm chọn thuốc thích hợp cũng như việc dùng thuốc sẽ đúng đắn hơn. Vẫn chưa có thông báo chính thức từ WHO, cơ quan toàn cầu chăm sóc sức khỏe, về vấn đề phải ngưng dùng thuốc ngừa thai vì nguy cơ ung thư. Các phụ nữ đang dùng thuốc này vẫn có thể an tâm sử dụng. |
LAN ANH – NGỌC LOAN (TTO)
Bình luận (0)