Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nỗi lo trên các tuyến đường nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Một tai nạn giao thông trên cầu vượt Củ Chi
Trong thời gian gần đây, những cái chết vì tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra khá nhiều và tập trung chủ yếu ở các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9, 12…
Những cái chết
Dù cái chết của con đã trôi qua hơn hai tháng, nhưng khi nhắc lại mẹ của em N.T.H ở Tân Thạnh Đông (Củ Chi) vẫn còn nghẹn ngào: “Thấy con trai đi học xa đòi mua xe tay ga, tôi chiều ý mua cho nó chiếc xe cũ. Nào ngờ chiếc Attila mua chưa được một tháng thì bị tai nạn. Tuổi mới lớn mà, khi lên xe là cứ phóng như bay. Tỉnh lộ 15 vốn hẹp, khu vực ấp Thạnh An, xã Trung An (Củ Chi) lại có nhiều nhánh đường cắt ngang. Khi con tôi đang chạy thì bất ngờ có một chiếc xe Honda 67 cũng chạy với tốc độ khá cao từ hướng ngược lại xin qua đường. Nếu như cháu H. đủ bình tĩnh xử lý tình huống thì đâu đến nỗi. Đằng này H. lại đâm thẳng vào chiếc 67 và kết quả cháu đã chết trước lúc chở đến bệnh viện”.
Cách đó không lâu, D.V.V chở một người bạn trên tỉnh lộ 8 hướng từ thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương về Tân Quy. Chạy đến đoạn thuộc xã Trung An, V. bất ngờ gặp phải chiếc xe du lịch từ phía bên kia băng qua để rẽ vào một con đường nông thôn. Quá bất ngờ trước tình huống, đồng thời phía bên ngoài còn nhiều xe khác đang chạy với tốc độ cao nên V. không tránh né mà cho xe đâm thẳng vào chiếc xe du lịch này. Tai nạn xảy ra đã làm người bạn ngồi phía sau chết ngay tại chỗ, còn V. bị thương rất nặng.
Tương tự, một tài xế chạy xe ôm chở ba cũng từ Bình Dương về Củ Chi trên tỉnh lộ 8, khi đến đoạn đường thuộc khu vực xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi) thì đụng phải hai thanh niên đi trên cùng một chiếc xe máy phóng ra từ cây xăng. Tai nạn làm hai người chết ngay tại chỗ và ba người còn lại bị thương rất nặng. Tai nạn tương tự cũng đã xảy ra cách đây không lâu tại xã Hòa Phú (Củ Chi) và cướp ba mạng người. Nguyên nhân của vụ tai nạn này cũng là do các anh thanh niên “hai lúa” chở ba nhưng cho xe máy phóng tốc độ cao, khi gặp những chiếc xe từ các con đường nông thôn đâm ra bất ngờ, họ không làm chủ được tốc độ để rồi phải đâm thẳng vào nhau.
Nguyên nhân từ đâu?
Với hệ thống đường thông hè thoáng, phương tiện lưu thông chính là xe máy (hiện nay phương tiện đi lại này giá rất bình dân), trong khi đó người điều khiển lại thiếu kinh nghiệm và chưa am hiểu về Luật Giao thông nên những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra. Cách đây khoảng 10 năm, ở các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, số lượng xe máy rất ít, bình quân từ 20-30 gia đình mới có được một chiếc xe máy nhãn hiệu Honda. Thế nhưng, kể từ khi làn sóng xe máy Trung Quốc “đại hạ giá” tràn về nông thôn, xe máy gần như “phủ kín” từng gia đình. Điều này, ngoài yếu tố tích cực là giúp cho bà con nông dân có thêm phương tiện đi lại nhưng cũng đã vô tình trở thành “hung thần” tiếp tay cho những cái chết vì “thiếu hiểu biết” của tầng lớp thanh niên nông thôn.
Qua hai lần gây tai nạn và làm chết hai người ngồi sau, D.V.V (xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi) cảm thấy ngán ngẩm khi ngồi lên chiếc xe nhãn hiệu Best do Trung Quốc sản xuất của mình. D.V.V chua chát nhìn nhận: “Xe máy giá rẻ hiện nay về rất nhiều nhưng tiền nào của đó. Thanh niên nông thôn phần ham của rẻ, phần không có nhiều tiền nên mua xe kém chất lượng hoặc xe đã quá cũ. Đến khi gặp sự cố xảy ra, những chiếc xe này không có khả năng bảo vệ an toàn cho những người điều khiển. Và một trong hai người bạn của tôi đã chết vì những chiếc xe kiểu này”. Anh Châu, một thợ sửa xe gắn máy lâu năm tại xã Đông Thạnh, Hóc Môn khẳng định: “Với thiết kế phân khối lớn nhưng bộ khung sườn không đồng bộ với nhau, khi lưu thông với tốc độ cao, xe thường chao đảo. Và cũng chính từ việc thiết kế phân khối lớn, khi lên xe những thanh niên nông thôn cứ thế mà nhả khói, siết ga phóng như bay trên những con đường thông thoáng vắng vẻ. Đến khi xảy ra những biến cố thì xe không thể xử lý an toàn”.
Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng thường xuyên dẫn đến TNGT ở các quận, huyện ngoại thành là sự am hiểu về Luật Giao thông của người điều khiển xe máy còn quá kém, trong khi hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng được mở rộng và hoàn thiện hơn. Đơn cử như tỉnh lộ 15 là một trong những tuyến đường xảy ra nhiều tai nạn trên địa bàn hai huyện Hóc Môn và Củ Chi. Tuyến đường này có lưu lượng xe cộ qua lại rất cao, trong khi những con đường giao thông nông thôn cắt ngang con đường huyết mạch này cũng rất nhiều. Qua khảo sát của chúng tôi, những tấm biển báo nguy hiểm chẳng hạn như: phía trước có một con đường giao nhau, biển báo nguy hiểm về chợ, trường học, nhà máy xí nghiệp… được lắp đặt dày đặc trên những tuyến đường như thế này. Cụ thể chỉ trong quãng đường hơn 5 cây số, đã có đến hàng chục tấm biển báo nguy hiểm như vậy. Dù biển báo nguy hiểm được lắp đặt khắp nơi, nhưng các thanh niên “hai lúa” ở đây do không am hiểu Luật Giao thông vẫn cứ vô tư phóng xe như… bay. Đến khi đụng phải chiếc xe từ các con đường này đâm ra, các “hai lúa” chỉ còn biết buông tay chịu “chết” mà không phản ứng gì được!
Bài, ảnh: Huỳnh Sang

Bình luận (0)