Hội nhậpThế giới 24h

Nỗi lo từ cuộc đua tăng lãi suất

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ngân hàng trung ương cho thấy quyết tâm đánh bại lạm phát dù cái giá phải trả có thể là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này sẽ cùng ngân hàng trung ương một số nước như Anh, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ… quyết định có tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát đang ở mức cao hay không.

Tâm điểm chú ý là cuộc họp của FED trong ngày 21-9 với khả năng cao là FED quyết định tăng lãi suất cơ bản lên thêm 0,75 điểm %. Một bước đi như thế sẽ nâng phạm vi lãi suất lên 3% – 3,25%.

Dù vậy, nỗ lực tăng lãi suất của FED thời gian qua vẫn chưa cho thấy hiệu quả trong cuộc chiến chống lạm phát. Vào tuần rồi, chính phủ Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗi lo từ cuộc đua tăng lãi suất - Ảnh 1.

Một cửa hàng tạp hóa ở thủ đô Washington – Mỹ hồi tháng rồi. Ảnh: Reuters

Không những thế, theo tờ The New York Times, ngày càng có nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu trước động thái siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều nước. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất từ đầu năm đến nay, trong đó phân nửa thực hiện đợt tăng ít nhất 0,75 điểm %.

Trang Bloomberg nhận định nhiều ngân hàng trung ương cho thấy quyết tâm đánh bại lạm phát dù cái giá phải trả có thể là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Vấn đề là tính toán của các ngân hàng trung ương này gặp thách thức không nhỏ từ chuyện lạm phát tăng cao một phần do giá nhiên liệu leo thang và đây là điều nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Câu hỏi được quan tâm nhiều lúc này là thiệt hại từ biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ lớn đến đâu?

Theo các nhà phân tích của Quỹ Đầu tư BlackRock (Mỹ), nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của FED sẽ đồng nghĩa kinh tế suy thoái và khiến thêm 3 triệu người Mỹ mất việc làm. Còn việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đe dọa khiến kinh tế suy giảm mạnh hơn so với Mỹ.

Trong khi đó, ông Ethan Harris, chuyên gia của Ngân hàng Bank of America (Mỹ), dự báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm tới. Cũng theo ông Harris, Anh và khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay khi giá năng lượng tăng mạnh khiến các nền kinh tế này chịu thiệt hại. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thậm chí bi quan hơn khi dự báo suy thoái có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang tăng khi các ngân hàng thế giới tập trung chống lạm phát thông qua động thái tăng lãi suất liên tục và mạnh mẽ.

Chủ tịch WB David Malpass nhận định tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể và có thể chậm hơn nữa khi nhiều nước rơi vào suy thoái. Ông bày tỏ nỗi lo rằng những xu hướng này có thể kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ông cũng thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm sang thúc đẩy sản xuất, thay vì giảm tiêu dùng thông qua tăng lãi suất. 

Một báo cáo mới của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản hôm 20-9 cho biết lạm phát của nước này trong tháng 8 là 2,8% – mức cao nhất kể từ năm 2014. Số liệu này được công bố trước thềm cuộc họp dự kiến của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tuần này.

BOJ cho đến giờ vẫn không đi theo xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo quan điểm của BOJ, việc giá hàng hóa tăng lúc này chỉ là tạm thời và có liên hệ với những sự kiện như xung đột Nga – Ukraine. BOJ đang duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 2% và xem đây là điều cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)