Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi lo về những công dân tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Tại sao một bộ phận học sinh có hành vi lệch lạc về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật?

Một tiết dạy và học văn theo hướng đổi mới ở Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM. Theo các chuyên gia, chương trình môn văn có nhiều bài giáo dục đạo lý cho học sinh, nhưng phải có phương pháp phù hợp mới đạt được hiệu quả - Ảnh: X.B.
Một tiết dạy và học văn theo hướng đổi mới ở Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM. Theo các chuyên gia, chương trình môn văn có nhiều bài giáo dục đạo lý cho học sinh, nhưng phải có phương pháp phù hợp mới đạt được hiệu quả – Ảnh: X.B.

Hội thảo “Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh THPT TP.HCM” (do Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 18-12) đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên.

Tại hội thảo, PGS.TS Ngô Minh Oanh – viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục – đã trình bày kết quả cuộc khảo sát trên 1.800 học sinh khối lớp 10, 11, 12 ở 20 trường THPT thuộc 12 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM (12 trường công lập và 8 trường ngoài công lập). Theo đó, các học sinh đã tự đánh giá (ở mức đồng ý và rất đồng ý) về những hạn chế trong nhận thức, hành vi, lối sống: 42,9% học sinh thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật; 42,7% thiếu lý tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp; 42,5% thiếu tôn trọng thầy cô giáo, hay nói xấu thầy cô giáo; 37,6% sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,5% không thích học các môn khoa học xã hội – nhân văn; 57,4% thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống và đạo lý dân tộc…

TS Oanh đặt vấn đề: “Nhìn vào tỉ lệ trên chúng ta không khỏi lo lắng, một bộ phận học sinh trên sẽ như thế nào khi họ trở thành những công dân tương lai? Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do giáo dục gia đình, do môi trường sống của xã hội và một phần do giáo dục về đạo lý dân tộc, tính nhân văn và ý thức công dân cho học sinh trong nhà trường còn nhiều bất cập. Sự bất cập này thể hiện ở nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và sự kết hợp giữa các môn văn, sử, giáo dục công dân”.

Phát biểu tại hội thảo, ThS Lê Thanh Hà – giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm TP.HCM, giảng viên khoa giáo dục chính trị ĐH Sư phạm TP.HCM – nhận định: “Chương trình và sách giáo khoa môn giáo dục công dân THPT còn khá nặng về lý luận, mang tính hàn lâm, nội dung giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức của công dân thể hiện trong chương trình quá ít. Như chương trình môn giáo dục công dân lớp 10: phần thứ nhất sách giáo khoa trình bày nội dung “Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học” nhưng thực chất là kiến thức triết học. Chương trình giáo dục công dân lớp 11: phần thứ nhất của sách giáo khoa trình bày nội dung “Công dân với kinh tế” thực chất là nội dung của kinh tế chính trị nhưng ở dạng đơn giản. Chương trình giáo dục công dân lớp 12: toàn bộ chương trình có nội dung giáo dục pháp luật… Nội dung giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức của công dân chưa đi sâu, cụ thể, còn nặng về lý luận pháp luật”.

TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho rằng: “Nội dung giáo dục đạo đức, công dân của nhà trường phổ thông hiện nay nặng nề nhưng hiệu quả giới hạn, cần phải sắp xếp lại như một cây “đạo đức”. Ở đó, tinh thần thượng tôn pháp luật, lòng tự trọng và trách nhiệm của con người chính là cội rễ để hình thành các đức tính khác cho học sinh”.

Tại hội thảo, ThS Đỗ Công Đoán, phó hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), phát biểu: “Việc giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh có nhiều phương pháp, nhưng theo tôi thì mỗi thầy cô cần phải làm gương cho học trò trước. Ví dụ: dạy học sinh thấy rác là phải nhặt ngay, nhưng chính bản thân các thầy cô giáo thấy rác mà làm ngơ thì sẽ rất khó giáo dục học trò”.

TS Huỳnh Công Minh lại đề nghị: “Muốn giáo dục đạo đức tốt, nhà giáo dục phải biết quy luật hình thành phẩm chất đạo đức con người. Đạo đức không thể hình thành từ những lý thuyết áp đặt, mà phải cho học sinh cảm nhận và trải nghiệm với những giá trị được cộng đồng trân trọng, tôn vinh”.

* Ths Hồ Thanh Tâm(giảng viên khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Ảnh: N.H.
Ảnh: N.H.

Xác định lại vị trí bộ môn lịch sử

Lịch sử có ưu thế trong giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân, nhưng ưu thế này sẽ không được phát huy nếu bộ môn chưa có vị trí xứng đáng trong chương trình giáo dục phổ thông. Hiện chưa có một văn bản nào coi môn sử là môn phụ, nhưng cách hành xử của các cấp quản lý và xã hội đã gián tiếp xác nhận điều đó. Đó là chưa kể chương trình học còn nặng nề, dàn trải lại không xác định rõ các nội dung về đạo lý dân tộc, ý thức công dân mà chúng ta cần giáo dục cho học sinh.

Vì vậy, việc xác định lại vị trí bộ môn và đổi mới/thiết kế lại chương trình là những điều cần thực hiện trước tiên. Trong khi chờ đợi sự thay đổi đó, giáo viên THPT nên chủ động áp dụng các phương pháp dạy học, công cụ đánh giá hiện đại, mạnh dạn tổ chức các hoạt động ngoại khóa để nâng cao hiệu quả giáo dục.

* NGƯT Dương Thị Trúc Bạch 
(phó chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):

Ảnh: N.H.
Ảnh: N.H.

Phải làm sao để học sinh 
có cảm xúc

Dạy học sinh về đạo lý dân tộc và ý thức công dân phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ và gần gũi. Ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, khi học sinh bước chân vô trường đã được dạy về truyền thống của trường để các em yêu ngôi trường của mình trước đã. Sau đó mới dạy đến yêu đất nước, yêu Tổ quốc.

Trước khi dạy các em thượng tôn pháp luật thì giáo dục các em tôn trọng kỷ luật của nhà trường: xuống xe bỏ mũ ra, đi lên xuống cầu thang phải nhường cho người lớn tuổi đi trước, gặp thầy cô phải chào, thấy rác phải nhặt…

Hồi tôi còn làm hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường lồng ghép việc giáo dục đạo đức vào tiết sinh hoạt dưới cờ. Tôi thường đọc báo Tuổi Trẻ xem có bài nào hay lấy ra giáo dục học sinh.

Như bài “Lễ chào cờ từ trái tim” tôi thấy hay quá, đem đọc lại cho học sinh toàn trường nghe trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Tôi còn nhớ cả trường hôm đó im phăng phắc, nhiều em thật sự xúc động với câu chuyện ấy. Đọc xong, tôi nói với học sinh của mình: “Những học sinh khuyết tật mà còn chào cờ với tất cả tình cảm thiêng liêng như thế, còn ở trường ta cô thấy lúc chào cờ, có em hát, em không hát, có em hát thì đứng không nghiêm…”. Sau lần đó, tình hình cải thiện 
rất nhiều.

Kể ra như thế để thấy rằng việc giáo dục học sinh có nhiều cách, nhưng phải làm sao để các em có cảm xúc thì mới đạt được hiệu quả.

 

HOÀNG HƯƠNG/TTO

 

Bình luận (0)