Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM cho biết, TP.HCM có trên 21.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong 11 tháng của năm 2016 mà lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt. Trong đó có gần 500 trường hợp là người điều khiển xe ô tô vi phạm và trên 20.500 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy các loại vi phạm quy định trên.
Lực lượng CSGT TP xử lý nồng độ theo kinh nghiệm quốc tế tại khu vực cầu Rạch Chiếc (ảnh do Phòng CSGT đường bộ – đường sắt cung cấp) |
Nguyên nhân gián tiếp gây TNGT
Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, trong 11 tháng đầu năm 2016 (từ 16-11-2015 đến 15-10-2016), trên toàn địa bàn TP xảy ra 3.530 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm 716 người chết, 2.901 người bị thương. Trong đó hành vi vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các hành vi vi phạm nguy hiểm như: chạy quá tốc độ quy định, đi ngược chiều, không chú ý quan sát, vượt sai quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu… Chính những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến TNGT, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, mất mát tài sản cho bản thân mình cũng như người tham gia giao thông khác.
Thượng tá Diệp lưu ý, độ tuổi phổ biến của các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn qua thống kê từ phía lực lượng CSGT tập trung chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên và người trong độ tuổi lao động. Đây là nhóm đối tượng có điều kiện tiếp xúc và tần suất sử dụng thường xuyên các loại đồ uống có nồng độ cồn cũng như là điều khiển phương tiện cơ giới sau khi đã uống rượu bia. Điều đáng nói là trên địa bàn TP hiện nay, ở hầu hết các quận huyện đều có những khu vực tập trung đông các hàng quán có bán rượu bia, các loại thức uống có cồn.
Nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng trên, công tác triển khai xử phạt nồng độ cồn được Phòng CSGT đường bộ – đường sắt được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhiều lực lượng, linh hoạt và chủ động để có thể tối ưu hạn chế tình trạng người dân vi phạm quy định về nồng độ cồn, say xỉn điều khiển xe.
Tiếp tục chiến dịch kiểm soát, xử lý vi phạm
Đó là “Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM năm 2016”, do Ban ATGT TP.HCM phát động vào sáng 27-10 vừa qua. Với vai trò là một trong những lực lượng chủ chốt và tiên phong, Thượng tá Diệp cho biết, trong thời gian từ đây cho đến hết năm 2016 cũng như trong thời gian thực hiện “Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục thực hiện có chiều sâu và mở rộng phối hợp cùng báo đài, cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi về các quy định pháp luật liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tuyên truyền mạnh mẽ khẩu hiệu: “Không lái xe sau khi uống rượu, bia”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đặc biệt sẽ chú trọng tuyên truyền về hậu quả TNGT do vi phạm nồng độ cồn gây ra, để định hướng và xây dựng cho người dân ý thức được nỗi sợ về vi phạm và quan trọng hơn hết là sợ TNGT và hậu quả để lại của TNGT, trong đó có TNGT liên quan đến nồng độ cồn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền được thực hiện trong giai đoạn từ 27-10-2016 đến 31-12-2016 của chiến dịch trên, thì công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn cũng được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, áp dụng rộng rãi và có hiệu quả cao các mô hình xử phạt mới, các giải pháp phát hiện và xử phạt triệt để nhằm ngăn ngừa TNGT xảy ra. Ngoài ra trong thời gian thực hiện chiến dịch lực lượng, CSGT cần huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện, có sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng thực thi công vụ và các sở ban ngành có liên quan. Trong đó, lực lượng CSGT phát huy vai trò nòng cốt, chủ đạo triển khai thực hiện tích cực chiến dịch trên mặt trận tuyên truyền và tuần tra xử phạt.
Đồng thời kết hợp với công tác xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn, là công tác tổng kết, ghi nhận số liệu kiểm soát, xử lý vi phạm và phân tích, đánh giá, so sánh kết quả trước và sau thời gian thực hiện chiến dịch.
Bích Vân
Người tham gia giao thông cần biết Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về nồng độ cồn như sau: Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm: – Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước GPLX 1-3 tháng, tạm giữ xe 7 ngày (căn cứ điểm a, khoản 6; điểm b, khoản 12, điều 5 và điểm a, khoản 1, điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP). – Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước GPLX 3-5 tháng, tạm giữ xe 7 ngày (căn cứ điểm a, khoản 8; điểm d, khoản 12, điều 5 và điểm a, khoản 1, điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP). – Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước GPLX 4-6 tháng, tạm giữ xe 7 ngày (căn cứ điểm a, khoản 9; điểm đ, khoản 12, điều 5 và điểm a, khoản 1, điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm: – Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước GPLX 1-3 tháng, tạm giữ xe 7 ngày (căn cứ khoản 6; điểm b, khoản 12, điều 6 và điểm b, khoản 1, điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP). – Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tước GPLX 3-5 tháng, tạm giữ xe 7 ngày (căn cứ điểm c, khoản 8; điểm d, khoản 12, điều 6 và điểm b, khoản 1, điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP). |
Bình luận (0)