Nếu trước đây, người tiêu dùng thật sự yên tâm với chất lượng các loại xăng, dầu thì gần đây niềm tin đó đang bị lung lay. Thực tế, có nhiều đại lý kinh doanh đang tìm cách pha các tạp chất vào xăng, dầu để trục lợi gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường kinh doanh nhiên liệu.
Người dân đổ xăng tại một cây xăng trên địa bàn TP.HCM |
Làm ăn bất lương
Gần đây nhiều người ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) nghi ngờ chất lượng xăng ở một số cây xăng trên địa bàn sinh sống vì sau khi đổ xăng cho xe máy, xe ô tô thì có nhiều biểu hiện lạ khi di chuyển như máy đạp không nổ, tiếng kêu đục. Cũng có trường hợp xe đang chạy thì bị bốc cháy hoặc hỏng hóc. Vào ngày 10-10, Cảnh sát kinh tế (Công an Nghệ An) phối hợp với Sở Khoa học tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang một xe bồn của Công ty Thanh Ngũ đang đổ 40 ngàn lít dung môi vào nơi chứa xăng. Sau đó Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can với Vũ Thị Thanh (55 tuổi) và Trần Văn Tuấn (27 tuổi) cùng về tội sản xuất buôn bán hàng giả. Trong thời gian điều hành công ty, Thanh đã trực tiếp pha chế khoảng 200.000 lít xăng A92 theo công thức: 50% xăng A92 cộng với 50% chất dung môi và thêm bột tạo màu. Toàn bộ số xăng kém chất lượng này được tuồn ra thị trường. Cuối tháng 10-2017, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 đã có kết quả 11/12 mẫu xăng thử nghiệm không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học. Theo đó, có đến 11 mẫu thử không đạt chỉ tiêu chất lượng về trị số Octan – đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tỷ lệ nguyên chất của xăng A92 chưa đến 50%.
Xe hư, xe cháy là do xăng dởm
Về tác hại của dùng xăng kém chất lượng, Thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Trưởng Phòng PC46 Công an Nghệ An phân tích, chất dung môi sử dụng để pha loãng sơn, không sử dụng để thay thế xăng cho động cơ chạy xăng. Đại diện Chi cục Đo lường chất lượng, Sở KH&CN Nghệ An cho biết: “Nếu ôtô sử dụng nhiên liệu có lẫn tạp chất (xăng “bẩn”) với thời gian dài có thể gây ra hiện tượng nóng máy, xe ì, thậm chí có thể dẫn tới cháy nổ gây nguy hiểm và thiệt hại cho người tiêu dùng”
Theo KS. Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam) việc sử dụng xăng “bẩn” cũng có thể dẫn tới tình trạng cháy, chập điện, dẫn tới xe đang chạy có thể bốc cháy. “Xăng “bẩn” chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới động cơ xe, đặc biệt là động cơ ôtô vì tiêu chuẩn cao hơn so với xe máy. Việc sử dụng xăng “bẩn” sẽ làm giảm công suất xe. Vì khi chưa đến điểm nổ, nhiên liệu đã gây kích nổ, đồng thời gây nóng máy khi sử dụng”, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng xăng “bẩn” sẽ làm động cơ nóng lên, lâu ngày sẽ khiến vỏ dây điện, vỏ nhựa xung quanh động cơ bị cứng lên, khi di chuyển sẽ bị đứt, gây hở điện, dẫn tới tình trạng cháy chập điện, phát hỏa.
Qua các vụ điều tra, xăng “bẩn” chủ yếu được sản xuất bằng cách pha xăng thật với các chất dung môi, mà chủ yếu là methanol, một chất rất nguy hiểm với động cơ. Các nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng xăng “bẩn”, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới phương tiện, đặc biệt là động cơ xe. Bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xăng kém chất lượng chính là lọc xăng. Lọc xăng bẩn có thể gây tắc xăng và không cung cấp đủ nhiên liệu cho động cơ hoạt động đúng công suất. Về lâu dài sẽ hỏng cả bộ phận bơm xăng, kim xăng, buồng đốt. Khi gặp xăng “bẩn”, xe phải thay rất nhiều chi tiết và giá cả rất đắt. Hiện nay, một bộ kim phun động cơ thay mới có thể lên đến 20 triệu đồng. Riêng bộ lọc, tùy từng loại xe, có xe khoảng 800.000 đồng/bộ, có xe trên dưới 3 triệu đồng.
Ông Lê Tuấn Vũ, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho hay: “Xăng cho động cơ cũng giống như nước uống với con người. Người ta khuyên nên uống nước sạch, nước đun sôi, nhưng nếu uống nước mưa, nước bẩn chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe”. Theo ông Vũ, tên gọi xăng A83, A92, A95 là để trị chỉ số Octan có trong xăng. Trị số Octan quy ước đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu, để đảm bảo xăng được đốt cháy hoàn hảo trong buồng đốt của động cơ mà không gây nổ, làm hỏng động cơ. “Những xe đời mới hiện nay đều phải sử dụng xăng A92 và A95 mới đảm bảo vận hành hiệu quả và an toàn. Đối với một số xe sử dụng động cơ đời cũ vẫn có thể sử dụng được xăng A83, tuy nhiên loại xăng này hiện nay đã không được bày bán nữa. Trường hợp xe sử dụng xăng trị số Octan xuống dưới mức cho phép chắc chắn sẽ gây hại cho động cơ xe”. Rõ ràng nhiều xe máy, ô tô đã bị hư hỏng mà xăng giả chính là thủ phạm bất lương đem lại.
Dư luận mong muốn các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để có những biện pháp ngăn ngừa và xử phạt thích đáng với những trường hợp pha chế xăng thật thành xăng “bẩn” để trục lợi làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, gây nhiều hỗn loạn trên thị trường nhiên liệu. Không chỉ kiểm tra sơ bộ trên giấy tờ mà nếu nghi ngờ cần lấy mẫu xăng đi kiểm nghiệm để đưa ra ánh sáng cách làm ăn buôn gian bán lận của các cây xăng.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)