Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nỗi lòng cô giáo nơi đất đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Loan miệt mài bên các trang giáo án
Tìm hiểu về hoàn cảnh của cô giáo Lê Thị Kim Loan, chúng tôi không khỏi xót xa. Bởi những khó khăn mà cô và gia đình đang nếm trải dường như quá sức chịu đựng của một phụ nữ 27 tuổi. Cả ba thế hệ đùm bọc nhau sống trong căn nhà chật hẹp ở thôn Khánh Lạc (xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Rời Trường THPT Thu Xà (huyện Tư Nghĩa, xã Nghĩa Hà, Quảng Ngãi) nữ sinh Lê Thị Kim Loan (SN 1984) bước vào giảng đường Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (Khoa Ngoại ngữ). Sau khi tốt nghiệp, Kim Loan về giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường THPT Lý Sơn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Là chị cả trong gia đình nghèo nhất thôn Khánh Lạc, gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của cô giáo Loan cứ ngày một nặng thêm. Vừa đóng vai trò làm bố dạy bảo các em, cô vừa chăm lo cuộc mưu sinh cho gia đình. Đồng lương ít ỏi của cô giáo trẻ Kim Loan vì thế phải chia thành nhiều phần nhỏ.
Nặng gánh gia đình
Mỗi khi soạn giáo án hay chấm bài thi xong, Loan thường nhìn xa xăm về đất liền, nơi những người thân đang rất cần một bàn tay chăm sóc. Nghĩ về những người thân trong gia đình, ánh mắt cô giáo Loan đong đầy tâm trạng: “Mỗi ngày bệnh tình của mẹ và bà nội càng nặng thêm. Một đứa em trai thì bị tâm thần, đứa còn lại đi học xa nên nhà rất neo người. Đi dạy xa nhà, mình lo những lần mẹ ngất xỉu, không có ai đỡ đần và xoa bóp tay chân cho bà. Nếu có một điều ước, tôi mong được sống gần gia đình để có nhiều thời gian chăm sóc cho bà nội, mẹ và các em”.
Điều này tưởng chừng quá đơn giản với nhiều người, nhưng đến nay, câu hỏi về bằng cách nào vẫn cứ đeo bám dòng suy nghĩ của cô giáo trẻ. Vắng cô con gái đảm đang, gia đình Loan phải nương tựa vào hàng xóm. Mỗi khi trời trở lạnh, bà nội và mẹ Loan lại trở bệnh. Không ít lần mẹ Loan ngất xỉu. Những lúc như vậy may mà có xóm giềng giúp đỡ. Ông Đặng Quế (hàng xóm của cô Loan) tâm sự: “Gia đình con bé Loan tội lắm, gặp hết chuyện này đến chuyện kia. Cả nhà nó sống có tình có nghĩa nên người nào trong xóm cũng thương. Thế nhưng hàng xóm láng giềng đâu ai giúp đỡ cả đời được. Nếu con bé được sống gần nhà thì gia đình nó đỡ nhọc nhằn hơn”.
Không chỉ lo cho mẹ, cô giáo Loan còn phải chăm sóc bà nội đã 78 tuổi và ba người em. Em trai kế Lê Minh Phụng bị bệnh tâm thần, em trai Lê Minh Hoanh (SN 1990, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) bị bệnh động kinh và em trai Lê Minh Hiệu (học sinh lớp 12 Trường THPT Thu Xà). Dù gánh vác nhiều trọng trách nhưng tinh thần cô giáo Lê Thị Kim Loan luôn được thắp sáng theo từng con chữ nơi miền đất đầy nắng và gió.
Gian khó bủa vây
Nhắc đến gia đình của mình, cô giáo Loan bỗng rưng rưng: “Từ lúc tôi đi dạy ở đảo Lý Sơn, mẹ mới phát bệnh. Gần ba năm nay, ngày nào bà cũng ngất xỉu, lưng đau nhói mỗi khi cúi nhặt cỏ ngoài đồng. Tôi ở xa như thế này thì làm sao chăm sóc được mẹ?”. Nói tới đây, nước mắt bỗng tuôn trào trên đôi gò má hốc hác của cô giáo trẻ.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Khánh Lạc, bà Đặng Thị Hồng Ngọc (52 tuổi, mẹ cô giáo Loan) kể cho chúng tôi nghe chuyện của thằng ba (tức em Lê Minh Phụng): “Thằng ba nó bị bệnh như vậy cũng vì gia đình quá nghèo khổ. Hè năm lớp 6, nó theo người quen ở Mộ Đức đi vào Sài Gòn bán hủ tiếu, làm được vài ngày thì bị tai nạn. Thế nhưng, chủ quán giấu gia đình về chuyện thằng nhỏ bị tai nạn. Họ để nó nằm viện hơn một tháng trời. Khi sức khỏe nó bình phục, họ đưa về nhà và cho tôi biết sự thật. Từ đó đến nay, nó như người bị tâm thần vậy, lúc tỉnh lúc mê”.
Tuổi thơ cô giáo trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi khi người cha thân yêu lặng lẽ về cõi vĩnh hằng, lúc đó Loan chỉ là cô học trò lớp 8. Trong khoảnh khắc nhớ về cha, cô giáo Loan kể lại: “Một mình ba nuôi cả gia đình bảy người. Cả ngày ba cứ quần quật hết công việc ngoài đồng lại đi làm thuê cho người ta. Sau khi phát hiện bị bệnh ung thư gan, cầm cự một thời gian thì ba ra đi”.
Chồng vĩnh viễn ra đi, bỏ lại mái ấm nhỏ với mẹ già, người vợ tần tảo, năm đứa con thơ nheo nhóc và gánh nợ tiền chạy thuốc thang. Bà Ngọc lặn lội vào TP.HCM bán chè dạo, làm thuê chỉ mong có ít tiền nuôi đàn con ăn học. “Dù có nghèo khổ như thế nào, tôi cũng cố làm chỉ mong con cái học hành đến nơi đến chốn”, bà Ngọc tâm sự.
Thoát lưỡi hái tử thần

Bà nội (trái) và mẹ cô Loan đầy bệnh tật đang sống trong căn nhà tình nghĩa
Câu chuyện về cô giáo Lê Thị Kim Loan được các bác sĩ ở đảo Lý Sơn thực hiện thành công ca mổ ruột thừa, đã và đang là đề tài mà cả nước biết đến.
Ngày 15-11-2010, sau giờ lên lớp, Loan về căn phòng trọ sinh hoạt như mọi ngày. Khoảng 5h sáng ngày 16-11, Loan bỗng đau bụng dữ dội. Thấy tình hình không hay, những giáo viên cùng nơi trọ đưa Loan đến trạm xá khám và bác sĩ phán rằng: “Phải mổ gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng”. Lúc này, Loan không thể chịu nổi cơn đau đang giày xéo cả thân thể gầy gò. Ban lãnh đạo Trường THPT Lý Sơn vội thuê tàu cao tốc (10 triệu đồng với chuyến đi một chiều) để đưa Loan vào đất liền mổ gấp. Tàu chuẩn bị khởi hành thì trời trở gió dữ dội, lực lượng Biên phòng không cho tàu xuất bến. Loan nhớ lại: “Lúc đó, tôi nghĩ chắc chết mất. Trong cơn đau dữ dội, tôi chỉ biết cắn răng chống trọi và thầm cầu trời cho mọi việc qua mau”. Tình thế quá cấp bách, chính quyền huyện đảo Lý Sơn quyết định thực hiện ca phẫu thuật cho cô giáo Loan ngay tại Trung tâm Y tế huyện. Rất may, ca mổ thành công, cô giáo trẻ đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
Nhắc đến ngày nghe tin con gái phải mổ ở ngoài đảo, mẹ Loan rưng rưng nước mắt. Cụ Nguyễn Thị Ít (bà nội Loan) kể lại với giọng buồn buồn: “Tôi già quá rồi, không thể đi đâu được. Khi nghe tin cháu Loan mổ ruột thừa, cả gia đình nhốn nháo. Ban đầu, nghe tin cháu Loan sẽ được chuyển vào đất liền mổ, mẹ nó liền mặc áo mưa chạy lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Nhưng vì thời tiết, cháu Loan phải mổ ở ngoài đảo. Khi ca mổ tiến hành, mẹ nó cứ đội áo mưa chạy ngược chạy xuôi và ngất xỉu nhiều lần. Cả gia đình chỉ biết cầu trời phù hộ thôi. May có hàng xóm giúp đỡ, chứ không mẹ nó cũng nguy”.
Chia tay chúng tôi tại bến cảng Lý Sơn, cô giáo Loan tâm sự: “Năm nay, thằng cu út (em Lê Minh Hiệu) tốt nghiệp THPT và đi học xa. Nếu không thể chuyển về dạy gần nhà, có lẽ tôi phải bỏ nghề để về chăm sóc gia đình và tìm kiếm công việc khác. Chứ tuần nào cũng về nhà thì hết sạch lương, lấy đâu ra tiền lo chuyện ăn uống của gia đình và chi phí học hành cho các em. Và nếu lỡ mẹ ra đi lặng lẽ theo ba thì tôi ân hận cả đời”.
Bài, ảnh: Kim Long

Bình luận (0)