Nhiều cặp từng “chung chăn sẻ gối” với nhau thú nhận rằng ngáy là một vấn đề vô cùng phiền toái. Người ta đang đặt ra một câu hỏi là ngáy có ảnh hưởng đến sức khỏe không
Nếu bạn cảm thấy luôn phải tỉnh giấc trong đêm vì tiếng ồn do chính bạn gây ra hoặc cuộc hôn nhân của bạn có nguy cơ đổ vỡ thì đã đến lúc bạn cần đi gặp bác sĩ. Hằng năm, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị cũng vì không chịu nổi những “câu hò” của bạn “đồng sàng” trong đêm khuya thanh vắng.
vì sao ngáy?
Ngáy – theo định nghĩa – là một tiếng thở ồn ào xuyên qua miệng hoặc mũi trong khi ngủ. Suốt một giấc ngủ sâu, tất cả các cơ trong cơ thể chúng ta đều ở trạng thái thư giãn. Khi cơ cuống họng được thư giãn thì cũng là một hiện tượng bình thường làm cho đường hô hấp của chúng ta bị đóng lại phần nào. Không khí đi ra, đi vào phổi thông qua đường hô hấp này. Thế nhưng khi mũi và họng bị nghẽn tắc, ngáy xuất hiện.
Minh họa: Khều
Ngáy làm giảm lượng oxy tới não, sự thiếu hụt oxy này có thể làm chết dần chết mòn các tế bào não. Tuy nhiên, ngáy không có nghĩa là ngưng thở. Có rất nhiều dạng ngáy khác nhau ở những mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Ngáy nhẹ có thể sẽ ngưng khi được đánh thức và thay đổi vị trí, tư thế ngủ. Trong khi ngáy nặng vẫn “trơ trơ” với những sự thay đổi này.
Ngáy được gây ra bởi rất nhiều yếu tố. Ngáy kinh niên thường rất đặc trưng ở lứa tuổi trung niên. Bởi vì khi lớn tuổi, vòm họng chúng ta càng trở nên thu hẹp hơn, sự phát triển của cơ cũng suy giảm, trong đó có cơ vòm họng
Béo phì cũng là một “thủ phạm” gây chứng ngáy vì sẽ thặng dư một lượng chất béo lớn làm cho vòm họng trở nên nhỏ hẹp hơn và càng bị siết chặt hơn. Di truyền và giới tính cũng đóng một vai trò quan trọng. Nam giới có đường không khí hẹp hơn nữ giới nên tỉ lệ nam giới mắc phải tật ngáy cao hơn (khoảng hơn 70% đàn ông có tật ngáy khi ngủ, trong khi ở nữ giới tỉ lệ này là 50%. Thống kê này được đưa ra trong cuộc nghiên cứu với trên 2.000 người tại Úc).
Nếu bạn mắc phải bệnh suyễn, bị dị ứng, cảm cúm, viêm xoang… bạn cũng có thể mắc phải tật ngáy do những trở ngại ở đường hô hấp gây ra. Lối sống cũng ảnh hưởng đáng kể. Nếu bạn hút thuốc (hoặc hút thuốc thụ động) thì bạn có xác suất mắc phải tật ngáy rất cao vì khói thuốc làm giảm năng lực của cơ vòm họng. Rượu và một số dược phẩm như thuốc ngủ, thuốc kháng Histamine… cũng góp phần vào cái tật “khó ưa” này.
Vị trí và tư thế ngủ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tật ngáy. Nằm ngửa sẽ làm cho tình trạng ngáy càng tồi tệ hơn so với nằm nghiêng. Gối cũng được xem như là “kẻ đồng lõa” vì càng làm tăng góc gập của cổ, làm cản trở không khí lưu thông ra vào đường hô hấp.
những hệ lụy đáng buồn
Những người mắc phải tật ngáy có thể bị rối loạn giấc ngủ do tiếng ồn của chính mình gây ra. Ngáy cũng tác động tiêu cực lên cuộc sống hằng ngày của người mắc phải, gây nên sự cáu kỉnh, uể oải, làm việc kém hiệu quả, có những ý nghĩ “không giống ai”, hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm, tinh thần và trí tuệ bị sa sút. Nhiều trường hợp nặng có thể gây đột quỵ, tiểu đường, áp huyết cao, bệnh tim mạch hoặc thậm chí dẫn tới chết non.
Về mặt xã hội, tật ngáy cũng đem đến những hệ lụy nghiêm trọng vì gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Nhiều cặp vợ chồng phải thỏa thuận ngủ riêng vì có một người ngáy chịu không nổi. Đây cũng chính là “ngòi nổ” cho những đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Các nhà tâm lý học giải thích rằng nếu vợ chồng không ngủ chung một giường thì khó có cơ hội “tám” với nhau, không thể cùng nhau chia sẻ những buồn vui của cuộc sống thường nhật, vì vậy sẽ khó mà hiểu nhau, đời sống tình dục do vậy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi vợ chồng quyết định “phòng ai, người ấy ở” sẽ làm cho người mang tật ngáy càng có cảm giác bị cô lập nhiều hơn.
có thể hạn chế “cái loa ban đêm”
Hiện tại, để làm hạn chế “cái loa ban đêm” này, trên thị trường đã xuất hiện các loại dụng cụ hỗ trợ gọi là thiết bị CPAP (Continuous positive Airway Pressure). Dụng cụ này dùng bao bọc mũi và miệng nhằm kích thích đường không khí mở rộng ra. Hiện một số bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật để làm tăng kích thước của đường không khí. Ngoài ra, để giúp hạn chế tật ngáy, người mắc tật này cần nên giảm cân, không được để béo phì, bỏ hút thuốc… Dinh dưỡng cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Một bữa ăn khỏe mạnh bao gồm carbohydrates (trái cây, rau cải, đậu, hạt….), protein (thịt nạc, cá, trứng, bơ sũa…), dầu và chất béo như bơ… Bữa ăn cần nên chú trọng đến rau cải. Những thực phẩm nên tránh bao gồm thịt nướng, thức ăn chiên, bánh ngọt, nước uống có gas, trà, cà phê, rượu bia… Ngáy càng trở nên tồi tệ hơn nếu bữa ăn quá trễ, gần giờ ngủ. Nên ăn trước khi ngủ vài giờ, uống rượu bia vào buổi tối sẽ càng làm cho âm thanh ngáy “vang vọng” thêm.
Để hạn chế tiếng ngáy, bạn nên giảm cân, bỏ thuốc lá, không rượu bia vào buổi tối; có bữa ăn khỏe mạnh, ăn nhiều rau cải…
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường- Theo NLĐ
Bình luận (0)