Khi những đóa hoa đào bung nở khắp núi rừng Trường Sơn, đón một mùa xuân mới thì những người dân ở bản La Lay A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) cũng hân hoan trong niềm vui nhận về từ những người lính biên phòng đất Việt. Một mùa xuân chung nhịp điệu của tình Việt – Lào anh em hân hoan và nồng ấm đang về!
Niềm vui của người dân bản La Lay A Sói trong ngày Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay bàn giao công trình nước sạch cho bà con
Dòng nước mát xuôi về “hậu phương phía trước”
Khi phía Đông dãy Trường Sơn đang chào đón một mùa xuân mới thì La Lay A Sói lại bước vào mùa khô. Dẫu vậy, tiết xuân phía bên kia biên giới – nơi bản La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị) dường như tỏa lan sang đường biên làm cho cái nắng dịu bớt. Ông Bun Thân, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản La Lay A Sói dẫn chúng tôi đi một vòng bên những thửa ruộng tươi xanh. Gương mặt ông rạng rỡ với nụ cười thật tươi: “Từ ngày được các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay (bộ đội biên phòng Quảng Trị, Việt Nam) hỗ trợ khơi thông hệ thống kênh mương, dòng nước thủy lợi lại chảy về tưới tắm cho cây cối cả bản. Bà con không còn lo mất mùa lúa vì thiếu nước nữa rồi. Ai cũng vui cái bụng”.
Hồ Thị Nghin trong ngày nhận giải thưởng viết về tình cảm của người lính biên phòng Việt Nam
Đặt bàn chân trần trên thửa ruộng nứt nẻ, đón dòng nước mát chảy qua thấm vào đất, bà Căn Un phấn khởi: “Không chỉ riêng nhà tôi, bà con ai cũng vui mừng vì có thể trồng lúa trở lại rồi. Suốt hai năm qua không có nước nên ruộng bỏ hoang, không có gạo để ăn phải chạy ngược chạy xuôi lo lương thực”. Trong trí nhớ của người dân bản La Lay A Sói, trận lũ lịch sử năm 2020 là một ký ức buồn. Mưa lũ đã khiến cho hệ thống thủy lợi dẫn nước về cánh đồng của bản bị hư hỏng nặng. 15ha ruộng vì thế bị bỏ hoang, không gieo trồng được, người dân trải qua sự thiếu hụt nặng nề suốt 2 năm sau đó. Nhiều lần Đồn biên phòng CKQT La Lay đã xây dựng kế hoạch để sớm giúp bà con khắc phục nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mãi đến năm 2022, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, kế hoạch mới được thực hiện. Nhiều ngày liền trên cánh đồng bản La Lay A Sói được phủ bởi một màu xanh áo lính. Những đôi tay trần và ý chí của người lính đã bật đá, xúc đất để khơi thông dòng nước.
Dòng thủy lợi đã được khơi thông
Trong câu chuyện về nguồn nước, ông Bun Thân không quên nhắc đến công trình nước sạch sinh hoạt cho người dân bản mình. “Năm 2021, bà con dân bản La Lay A Sói đã góp tiền, thuê thợ về khoan giếng để lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nhưng nằm ở vị trí trên cao, độ dốc lớn nên 4 lần đặt máy khoan thì 4 lần đều thất bại. Tốn kém lại không hiệu quả, người dân bản La Lay A sói đành bỏ cuộc”, giọng Bun Thân trầm buồn kể.
Ngày các chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT La Lay kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân, đến giúp bà con xây dựng công trình, nhiều niềm vui xen lẫn hoài nghi hiện lên từng khuôn mặt. Mãi đến khi dòng nước trong veo chảy ra từ chiếc bồn inox đặt trên cao, người dân mới thật sự vui mừng. Các bà, các mẹ trong bản gọi nhau đến gánh từng can nước về nhà trong niềm hân hoan. Bà Căn Nhật, Chi hội trưởng phụ nữ bản nói: “Bây giờ, chị em chúng tôi không phải đi gùi nước suối nữa rồi. Có giếng nước sạch rồi, sức khỏe của người dân cũng được đảm bảo tốt hơn. Ân tình này nhớ mãi”.
Chiếc xe đạp của bố nuôi biên phòng
Hồ Thị Nghin hiện là học sinh lớp 10 Trường Cấp 3 Sa Muồi (Salavan). Nghin sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có tới 6 anh chị em ở bản La Lay A Sói. Đời sống kinh tế gia đình khó khăn. Cha mẹ Nghin là ông Hồ Thề và bà Hồ Thị Thoa thường bảo với con rằng, chỉ có con đường đi học mới giúp thoát khỏi cảnh nghèo. Nói thế nhưng phải làm thế nào thì ngay cả họ cũng chưa nghĩ ra. Năm 2017, Hồ Thị Nghin lên lớp 4. Nhiều lần đối diện việc nghỉ học. Rồi các chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT La Lay xuất hiện, trao học bổng “Nâng bước em đến trường”. Ngoài những suất quà hỗ trợ như mì tôm, sách vở, áo quần, Nghin còn nhận được hỗ trợ kinh phí 500.000 đồng/tháng. Năm 2019, Nghin học lên cấp 2, trường học cách nhà gần 10 cây số. Các chiến sĩ biên phòng La Lay lại mang đến cho Nghin chiếc xe đạp mới, giúp chặng đường đến trường đỡ nhọc nhằn. Mỗi lần sang thăm, các chiến sĩ biên phòng lại kiểm tra, thêm dầu mỡ, siết chặt từng chiếc ốc, thay má phanh đã mòn… Hai năm sau đó, vì địa hình đồi dốc hiểm trở nên xe hỏng, Nghin lại được các bố nuôi tặng lại xe đạp mới. Nghin kể: “Đường đến trường không chỉ xa mà khó. Nhất là kể từ đầu năm học này, em lên lớp 10, đường xa hơn. Nếu không có xe đạp chắc em đành nghỉ học” – Nghin nói.
Nghin trở thành một trong số ít những đứa trẻ của bản đến trường, lên cấp 3. Vài tháng trước, Nghin tình cờ biết đến cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại phối hợp với Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam tổ chức chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, năm 2022”, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào. Nghin đã mạnh dạn viết ra những cảm nhận về sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT La Lay đã dành cho mình với tựa đề “Chiếc xe đạp của bố nuôi bộ đội biên phòng”. Bài viết đạt giải ba và giải Ấn tượng “Người trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi”. Hôm Nghin về nhận giải tại thủ đô Hà Nội, cả bản đều tự hào. “Ước mơ được đến thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác Hồ của em đã thành hiện thực”, Nghin nói. Ông Hồ Thê được theo con từ Lào đến Hà Nội không giấu được niềm vui khi tên của Nghin được xướng lên bục trao giải. “Nhờ sự giúp đỡ của các bố nuôi Đồn biên phòng CKQT La Lay mà gần 10 năm qua cháu được đến trường. Cháu tham gia dự thi một phần muốn thay cho lời cảm ơn các chú”, giọng Nghin xúc động.
Bản La Lay A Sói có 55 hộ dân với 245 khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, chính trị viên Đồn biên phòng La Lay cho biết, 15 năm nay, hai bản La Lay A Sói và La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị) kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới không ngừng giúp nhau phát triển kinh tế. Người dân cũng chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh thôn bản, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. “Với người lính Đồn biên phòng CKQT La Lay, bản La Lay A Sói là “hậu phương phía trước”. Vì thế, bên cạnh chăm lo cho người dân ở khu vực biên giới Việt Nam, đơn vị cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ bà con nhân dân bản La Lay A Sói, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, nhận đỡ đầu cho học sinh nghèo đến trường”, Thượng tá Linh chia sẻ.
Tiễn chúng tôi tận đường biên của bản để trở về đông Trường Sơn, Bun Thân gửi theo lời chúc mùa xuân an lành. “Ở nơi này bà con dân bản cũng đang đón một mùa xuân. Mùa xuân của tình hữu nghị Việt – Lào nồng ấm và bền vững”, Bun Thân nhắn nhủ.
Thiên Phúc
Bình luận (0)