Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi mừng vui của chàng Kim hay tấm lòng thương người của Nguyễn Du

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tìm được căn phòng trọ bên cạnh nhà chị em Thúy Kiều, Kim Trọng mừng vui khôn xiết. Để chuẩn bị cho sự vui mừng ấy Nguyễn Du đã cho chàng Kim phải bước qua vài bậc thang đau đớn ê chề. Kim đến nơi đã gặp người đẹp trong buổi chơi mả Đạm Tiên nay vắng vẻ, không một dấu vết gợi chút hy vọng như thêm một nỗi đau trong lòng chàng trai si tình. Rồi từ nơi cỏ mọc xanh rì, một hy vọng lóe lên: Phải đến nhà người trong mộng, may ra… Nguyễn Du thật có lí khi hạ hai chữ xăm xăm: Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang. Rồi ta sẽ gặp Thúy Kiều xăm xăm băng lối sang nhà Kim Trọng. Ở đây, cái vẻ quyết tâm, háo hức, hy vọng dồn lên hai chữ đè nẻo. Hy vọng nhiều, quyết tâm dữ dội nhưng thật đáng thương cho cái bước đi lẻ loi, âm thầm. Hai chữ lần sang thật khác xa với băng lối của Thúy Kiều. Nhưng buồn thay, ảm đạm thay khi chàng đến cổng nhà hai kiều: Thâm nghiêm kín cổng cao tường/ Cạn dòng lá thắm, đứt đường chim xanh! Ở đây, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều có hai luận giải khác nhau. Kín cổng hay kín cống? Kín cổng cao tường nghĩa đã rõ. Còn kín cống? Chuyện rằng: ngày xưa, thời nhà Đường, có một nàng cung nga họ Hàn, ở trong cung cấm lâu ngày buồn chán. Nàng viết một bài thơ trên lá cây, thả xuống nước một cái cống. Nước chảy ra ngoài cung cấm. Một chàng trai tên là Vu Hựu nhặt được. Chàng cũng viết bài thơ trên lá cây, lên thượng nguồn thả xuống dòng nước cống ấy. Cung nữ họ Hàn nhặt được. Sau, vua cho 3.000 cung nữ ra ngoài lấy chồng. Chàng và nàng kết duyên chồng vợ.
Như vậy, nếu theo nghĩa kín cống tức Kim Trọng thấy cửa ngõ nhà Thúy Kiều đóng chặt quá, muốn nhắn nhe nhưng tường cao không thể nhờ chim xanh đưa thư được, nước cống lại ngưng chảy (kín cống), không cách nào gửi được một cánh thư. Trong nỗi tuyệt vọng cao độ, Kim Trọng dạo quanh nhà người đẹp và phát hiện mé sau có nhà. Có một mái nhà để thuê, để trọ, tìm cách tiếp cận hai nàng, Kim vui mừng khôn xiết cho một mưu kế mới. Ngôi nhà ấy lại có hai đặc điểm cực kỳ quan trọng. Thứ nhất, chủ nhà là nhà buôn, lại đi buôn xa: lúc thì sang nước Ngô, khi thì về nước Việt (Là nhà Ngô Việt thương gia/ Phòng không để đó người xa chưa về)! Mà, chủ nhà đi vắng thì ít ra phải có người nhà hay người giúp việc ở lại trông coi nhà cửa vườn tược. Nguyễn Du đã cho họ vắng bóng. Ngay mấy thằng bé con con theo hầu chàng ngày du xuân, cũng biến mất. Như vậy trong căn nhà vắng chủ chỉ có mỗi Kim Trọng. Nguyễn Du đã chuẩn bị cho họ một nơi tình tự, tâm sự lí tưởng. Khi người ta mới yêu nhau, cái phút hò hẹn đã khó nhưng còn khó hơn là nơi gặp gỡ. Một sân bay an toàn cho đôi tình nhân hạ cánh, làm sao Kim không thấy mừng vui?
Điều thứ hai: căn nhà ấy thật là lịch sự (có cây, có đá sẵn sàng), một căn nhà có chỗ để treo đàn, treo tranh và nhất là có một cái hiên. Có thể ngồi ở cái hiên ấy thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên. Hiên ấy có tên là Hiên Lãm Thúy: Lãm là xem, thúy là màu xanh của cây cỏ quanh vườn. Với chàng Kim trong tâm trạng đang say đắm, hy vọng một mối tình, chàng cho rằng chẳng xem, chẳng ngắm gì màu xanh của cỏ cây. Kim đã tước bỏ ngữ nghĩa mà chủ nhân căn nhà đã dụng tâm, dụng ý. Kim cho rằng Lãm là xem, còn Thúy là Thúy Kiều, Thúy Vân. Ngồi ở hiên này chàng sẽ thấy hai chị em nọ ở ngôi nhà, cái vườn bên kia tường. Nói khôi hài hiên ấy như một vọng gác của tình yêu! Tại đây có thể quan sát hai cô gái đẹp!
Kim Trọng mừng vui hay tấm lòng thi sĩ Tiên Điền nhân hậu? Phải chăng Nguyễn Du đã quá thương cho đôi trẻ, quá trân trọng một mối tình đầu trong sáng, tươi nguyên?
Theo bước đi của câu chuyện ta sẽ dần hé mở tấm lòng thương người ấy của Nguyễn Du.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)