Mấy thập niên trước, trong cuốn Luyện văn, học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng than thở: “Chao ôi, sự vô tâm của loài người thật bao la như trời biển!”. “Sự vô tâm” mà vị học giả này trăn trở ở đây là sự thờ ơ của nhiều người bởi họ thiếu “lựa lời mà nói”, thiếu “lựa từ mà viết”, khiến cho hoạt động giao tiếp hằng ngày mất đi hiệu quả và chẳng được vừa lòng nhau! Đã có biết bao câu nói vô tâm nhiều khi chỉ để đùa cợt cho vui mà dẫn đến hậu quả khôn lường. Như vụ việc cách đây nhiều năm, một người đàn ông bị bạn bè “nói đùa cho vui” trong bàn nhậu rằng chẳng thể sinh được con trai mà đã bực bội về nhà xung đột với vợ và dẫn đến án mạng đau lòng. Trước đây, trên trang mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip rất đáng để ta suy ngẫm. Đó là cảnh một người mù ăn xin chẳng xin được mấy đồng khi người này ghi một tấm bảng để trước mặt với đại ý rằng “mong mọi người hãy thương ông ta vì ông ta bị mù”. Sau đó, người này sửa lại nội dung: “Hôm nay trời rất đẹp, nhưng rất tiếc là tôi không được nhìn thấy!”. Chỉ cần thay đổi mấy chữ mà người ăn xin được khách qua đường cho nhiều tiền hơn.
Tôi dẫn hơi dài dòng những câu chuyện trên vì có lý do, vì bản thân cũng đã gặp phải những tình huống giao tiếp thật… đắng lòng! Số là hôm đó, tôi chở vợ đang mang thai vào một tiệm để mua đồ bầu. Sau một hồi chọn lựa, vợ tôi vẫn chưa tìm được cái nào ưng ý. Khi thấy vợ tôi dự định mua chiếc đầm bầu khá đẹp nhưng hơi chật, người bán hàng thản nhiên khuyên rằng: “Không nên mua đầm quá chật, vì dễ bị hư thai. Có người vì muốn model trong lúc mang thai mà thai không phát triển nổi rồi đấy!”. Tôi thầm trách, giá như chị ta bảo rằng mang đồ bầu chật quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi thì dễ nghe hơn! Hay mới đây, tôi ra tiệm cắt mắt kính. Sau khi đo độ xong, anh thợ kính lúi húi mài tròng để đưa vào gọng. Tôi đứng xem anh ta làm. Thấy có vẻ không chắc chắn cho lắm, tôi hỏi: “Gắn tròng vào gọng như thế có dễ bị rớt ra không?”. Anh thợ tỉnh bơ bảo tôi rằng: “Em cam đoan với anh là không thể nào, trừ khi anh bị tai nạn giao thông, kính rơi mạnh xuống mặt đường” (!?).
Tôi vốn không có tư tưởng hoài cổ, nhưng xem ra nhận xét của người xưa vẫn còn nguyên giá trị: “Lời nói hay, giúp người, ấm hơn vải lụa…” (Tuân Tử). Những lời “nói dở” tuy không phải là “gươm giáo” nhưng mà sao nghe thật xót lòng. Xin hãy nói năng để còn được… đẹp lòng nhau!
Tuấn Ngọc
Bình luận (0)