Ở góc độ một người hâm mộ thể thao, tôi theo dõi những cuộc tranh tài ở Olympic Bắc Kinh với tất cả sự hứng thú, say mê. Nhưng khi Olympic 2008 đã hạ màn, trong lòng không khỏi gợn lên những băn khoăn khi nhìn lại thể thao VN… Ngao ngán ở những môn thể thao sức vóc Qua màn ảnh nhỏ, hình ảnh sân vận động Tổ Chim cùng cung thể thao mang hình khối nước trong những ngày tổ chức điền kinh và bơi lội – hai môn tiêu biểu của Olympic – luôn đông nghịt khán giả trên khán đài mới có thể cảm nhận được sức hấp dẫn của hai môn này lớn đến dường nào. Hấp dẫn là phải bởi điền kinh, bơi lội là những môn thể thao thử thách sự giới hạn của con người. Một khi đã chứng kiến những bước chạy, những cú nhảy trên sân Tổ Chim, những cái vươn tay trên bể bơi là sự tấn công của con người vào thời gian, vào tiêu chí Olympic “cao hơn, xa hơn, mạnh hơn”… thật buồn nẫu ruột khi nhớ lại những bước chạy lũn chũn, những cái quạt tay chậm chạp… ở các giải điền kinh, bơi lội của VN. Tiến sĩ Đỗ Trọng Thịnh – chuyên gia bơi lội VN – thú nhận: “Chúng ta không có cửa nào trong những môn thể thao dựa nhiều vào sức vóc. Nhìn hình thể của Phelps rồi nhìn lại các học trò, tôi hiểu không có môn khoa học nào có thể giúp rút ngắn được khoảng cách trên đường bơi”. Nói thế không lẽ xóa sổ hết các môn thể thao mà sức vóc là quan trọng? Không. Nhưng cần nói lên điều này để đòi hỏi các nhà quản lý thể thao VN phải tìm cách nâng chất hơn nữa trình độ các VĐV và để xóa đi hình ảnh vắng lạnh đến ghê người trên khán đài của các giải điền kinh hay bơi lội trong nước. Thế giới “chạy”, còn ta vẫn “đi”… Một nhà quản lý thể thao VN từng nói với tôi: “Vì nhiều khó khăn khách quan, thể thao VN đã bị tụt hậu rất nhiều. Do đó giờ đây chúng ta phải “chạy” và mong thế giới chỉ “đi” thì mới mơ có ngày nở mặt nở mày”. Nhưng buồn thay, xem Olympic 2008 mới giật mình thấy thế giới đang “chạy”, còn mình chỉ “đi”, thậm chí nhiều lúc còn giậm chân tại chỗ… Thể hình thấp, bé… thôi thì chịu thua kém ở bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bơi lội… Nhưng 26 môn ở Olympic đâu chỉ dành cho người khổng lồ? Hai tay vợt Trung Quốc vào chung kết bóng bàn đơn nam nào có to lớn. Nhà vô địch Ma Lin cao 1,76m và á quân Wang Hao là 1,75m. Hay cầu lông, Indonesia có một HCV đôi nam của cặp Kido Markis (1,65m) – Setiawan Hendra (1,81m). Rồi nhảy cầu, He Chong của Trung Quốc chỉ cao 1,7m – một chiều cao đâu phải là quá khổ với người VN. Ở những môn không cần đến thể hình, người ta đã có những bước tiến kinh khủng về kỹ thuật. Hôm xem thi nhảy cầu 3m, tôi nhớ Greg Louganis – VĐV nổi tiếng của Mỹ đoạt hai HCV nhảy cầu tại Seoul 1988. Hồi ấy, Greg khiến thế giới ngưỡng mộ khi anh không biểu diễn như các đối thủ là ôm gối santo theo trục ngang, mà thẳng người santo theo trục đứng. Còn tại Bắc Kinh 2008, các VĐV nhảy cầu 3m đã chơi phối hợp cả hai tư thế. Như He Chong-HCV cầu 3m, đã ôm gối santo hai vòng rồi “chơi” tiếp luôn 1,5 vòng theo trục đứng rồi tiếp nước một cách gọn gàng. Người ta đã tiến bộ kinh khủng sau mười năm, còn chúng ta, dù môn này đã được bắt tay đầu tư hơn chục năm nay, nhưng thú thật xem các VĐV nhà mình khi tiếp nước văng tung tóe mà buồn! Bơi nghệ thuật cũng vậy. Giờ đây các đội Nga (HCV), Trung Quốc (HCB), Canada (HCĐ)…đã đưa môn này lên đẳng cấp như biểu diễn balê dưới nước, chứ không chỉ đơn giản là xếp đội hình như ở các kỳ Olympic trước. Ở dưới nước nhưng họ thực hiện các động tác như trên cạn, đặc biệt giao hòa với âm nhạc cực kỳ tốt nên tạo hiệu quả rất cao. Quả là một nỗi ngao ngán vì sau khi xem Olympic 2008, một lần nữa chúng ta lại thấy nền thể thao nước nhà sao quá chậm lụt! HUY THỌ (theo tuoitre) |
Bình luận (0)