Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi niềm… “bà cô”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chị em bị áp lực từ gia đình và xã hội khi đã lớn tuổi mà chưa lấy chồng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T

Băm rồi mà vẫn chưa “chống lầy” (lấy chồng – PV), thế là được lên chức… “bà cô”. Làm “bà cô” cũng vui lắm, tự do – muốn làm gì thì làm. Nhưng là “bà cô” cũng phải chịu nhiều điều tiếng, phiền toái…
Từ áp lực gia đình…
Trong 100 “bà cô” thì có tới 99 “bà cô” bị gia đình gây áp lực. Mà áp lực của gia đình thì… đáng sợ lắm.
Thu Vân (quê ở Ninh Bình) tâm sự: “Đang làm kế toán ở sở tài chính tỉnh, tôi làm đơn xin nghỉ việc. Cả cơ quan ai cũng ngỡ ngàng, bạn bè chửi là đồ điên. Nào ai biết rằng hàng ngày tôi phải nghe mẹ cằn nhằn, đại loại như: “Con cái Thảo (bạn học thời phổ thông với tôi) đã 5 tuổi rồi đấy”, “Cái Hằng (kém tôi 4 tuổi) tuần tới lấy chồng đấy”… Cái kiểu tra tấn của mẹ khiến tôi phải bỏ xứ mà đi. Thế là tôi đành phải từ bỏ công việc ngon lành để vào TP.HCM làm đại lý cho Công ty bảo hiểm Prudential – ký được cái hợp đồng nào thì ăn hoa hồng cái đó, không được thì nhịn đói. Nhưng thà vậy vẫn hơn ở nhà để nghe mẹ cằn nhằn”…
Đã “chạy trốn” vào TP.HCM rồi mà Thu Vân vẫn không được yên thân. Thỉnh thoảng mẹ cô gọi điện, sau vài ba câu hỏi thăm sức khỏe con gái là lại nhắc khéo chuyện “chống lầy”. Hai – ba năm gần đây, khi Thu Vân bước qua cái ngưỡng “gái ba mươi tuổi đã toan về già” thì áp lực càng ghê gớm hơn. Không chỉ là áp lực của phụ huynh mà còn cả áp lực của họ hàng hai bên nội ngoại. “Tết tôi về quê ăn Tết liền bị các cô, các cậu sáp vào gây áp lực. Thậm chí, Tết vừa rồi, gia đình còn tổ chức hẳn một buổi nói chuyện cực kỳ nghiêm túc và yêu cầu tôi phải trả lời khi nào thì “chống lầy”. Tôi đành trả lời đại: “Bằng giờ này sang năm”. Cái hẹn của tôi sắp tới rồi mà chưa tìm được ai để… lấy làm chồng”, Thu Vân cười như mếu nói.
Quyên (quê ở Nghệ An) cũng phải bỏ xứ mà đi, chỉ vì tối ngày cứ phải nghe bố mẹ nhắc khéo chuyện chồng con. “Có nhiều lần tôi đã phải hét to trong điện thoại với mẹ rằng: “Con không lấy chồng. Mẹ mà cứ nhắc chuyện chồng con là con không về nhà nữa đâu”. Nhưng cũng chỉ được một thời gian là mẹ tôi lại quay về đề tài cũ… Mệt mỏi lắm”, Quyên tâm sự.
… đến áp lực xã hội
32 tuổi, Uyển Nhi đã là trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài. Cô sở hữu trong tay một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, tiện nghi trong nhà khá đầy đủ. Tuy vậy trong mắt nhiều người, Uyển Nhi vẫn chưa phải là người phụ nữ thành đạt. Đơn giản chỉ vì cô chưa có… chồng. Đặc biệt, nhân viên trong công ty rất hay “chọc” vào “nỗi đau” của cô. Nhân viên làm không được việc, cô rầy trách, thế là bị mọi người nói xấu sau lưng, nào là: “Không có chồng nên khó tính quá”, “Hôm nay sếp lại khó ở”…
“Không chỉ nhân viên mà đôi khi cả sếp cũng vậy. Có lần tôi không ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một siêu thị, thế là sếp nói: “Thôi em lấy chồng đi, âm dương cân bằng thì làm việc mới tốt được”. Sếp nói nhẹ mà nghe đau quá”, Uyển Nhi buồn rầu kể lại.
“Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cô bạn thân ở Hà Nội của tôi đã hỏi ngay: “Nè tao hỏi thật nhé, giới tính của mày bình thường đấy chứ?”, nghe vậy, tôi tối sầm mặt mũi. Nó tỏ vẻ hối hận: “Tao thấy mày cũng được, mắt – mũi – miệng đầy đủ, công việc ổn định, vậy mà sao đến giờ này vẫn chưa lấy chồng. Tao sợ mày bị ô môi nên hỏi vậy”, tôi hỏi nó: “Mày cũng nghĩ thế sao?”. Nó tròn mắt nhìn: “Nhiều người hỏi mày như thế lắm sao?”, tôi gật đầu. “Khổ thân chưa, ai bảo kén cho lắm vào”, bạn tôi an ủi…”, Kiều Băng (luật sư) kể lại.
Trăm sự cũng chỉ bởi đã ở cái tuổi “toan về già” mà chưa có ai rước nên Kiều Băng bị nhiều người hiểu lầm là có vấn đề về giới tính. Bạn bè thân tình thì hỏi trước mặt, còn những người khác thì thậm thụt nói sau lưng.
“Làm “bà cô” thì sao chứ. Chỉ cần làm tốt công việc, không làm hại ai… là ổn rồi. Sao mọi người cứ làm khó chúng tôi”, Kiều Băng tâm tư.
Thanh Huyền

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)