Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi niềm “chồng thấp vợ cao”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mới cưới nhau, biết vợ mình sẽ có thu nhập cao hơn chồng, nhưng anh Tuân cứ suy nghĩ đơn giản rằng “của chồng công vợ” có gì mà phải băn khoăn, lo lắng. Những năm đầu trong cuộc sống vợ chồng anh Tuân cũng êm đềm như bao gia đình khác, cho đến khi đứa con đầu ra đời với bao lo toan, sắm sửa. Anh Tuân thì cho rằng đồ đạc của trẻ con không cần phải quá đắt tiền và không nên sắm nhiều vì chúng mau lớn. Ngược lại, vì kiếm được nhiều tiền hơn chồng nên vợ anh lại cho rằng sắm sửa cho con các đồ vật phải tốt nhất, đồ dùng của con càng đắt tiền càng chứng tỏ mình quan tâm đến con cái. Khi anh Tuân cự nự không đồng ý thì vợ anh lại chì chiết: “Anh keo kiệt vừa phải thôi, mua sắm cho con mà anh cũng tính toán. Từ nay tôi chỉ xài tiền của tôi kiếm ra mua cho con để anh đỡ phải tiếc”. Không chỉ có thế, do thu nhập cao hơn nên các đồ vật, tiện nghi trong nhà đều do vợ anh Tuân trang bị. Có những thứ rất xịn như chiếc ti vi đặt giữa phòng khách bằng cả năm thu nhập của anh Tuân. Vì vợ anh trang trải hầu hết mọi thứ trong gia đình, nên không ít lần chị đã không cần phải bàn bạc với chồng về việc thay đổi những đồ gia dụng mà chị thấy không còn hợp mốt. Không những không xin lỗi chồng vì thái độ tự ý của mình, vợ anh Tuân còn “lên lớp” cho anh một bài học “nên thân”: “Anh có biết anh là gì trong ngôi nhà này không? Trụ cột ư? Trụ cột gì mà lương ba cọc ba đồng, không đủ để ăn sáng và đổ xăng xe. Từ khi cưới tôi đến nay, anh đã làm được gì cho ngôi nhà này? Nhà tôi xây, con tôi đẻ, tôi nuôi. Anh nhìn lại mình đi, xem có giống như cái bóng không hồn trong nhà này không? Nếu anh biết thân, biết phận thì chấp nhận đi còn được ở nhà cao cửa rộng, chăn ấm nệm êm. Còn rời tôi ra chưa chắc anh đã sống được đâu”. Nghe xong những điều vợ nói, anh Tuân đứng lặng người, không thốt nên lời. Những ngày sau đó, anh không còn muốn về nhà nữa, lang thang hết quán cà phê này đến quán nhậu khác. Ở đó anh gặp Nhã – một cô gái bán vé số, thường hay thấy anh Tuân thất thểu như người mộng du. Cô chỉ nhẹ nhàng hỏi địa chỉ của anh để gọi người đến đón, nhưng với một người đang bị tổn thương lòng như anh cảm thấy như tìm được chỗ dựa tinh thần. Anh Tuân đề nghị cô cùng nói chuyện, anh dốc hết bầu tâm sự của mình để cô chia sẻ. Nhiều lúc, anh Tuân nghĩ lại cô gái bán vé số kia giống như cây gỗ giữa dòng nước chảy xiết mà anh đã vớ được để không bị trôi tuột theo dòng chảy những ngày bê tha không biết đi đâu về đâu. Điều anh ngạc nhiên là Nhã lại khuyên anh nên mở rộng lòng tha thứ cho vợ con và trở về mái ấm gia đình. Anh đã từng suy nghĩ rất kỹ và để lại lá đơn ly hôn cho vợ. Khi đối mặt với thái độ cương quyết của chồng, vợ anh Tuân đã “xuống nước” cầu xin anh trở về ngôi nhà khang trang với hai mẹ con. Cô ấy cũng chấp nhận sẽ để anh Tuân nắm tay hòm chìa khóa và quyết định tất cả mọi việc trong nhà. Nhưng giờ đây, khi trở lại ngôi nhà đã từng sống, với những con người đã từng rất thân thiết, anh Tuân lại cảm thấy hẫng hụt, giống như cái bóng không hồn. Anh không thể bỏ vợ con nhưng trở về nhà với anh là một việc làm cực kỳ khó. Tình cảnh của anh Tuân giờ đây đúng là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Giờ anh mới thấm thía nỗi niềm “chồng thấp vợ cao”.

Lê Phạm (Đồng Nai)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)