Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nỗi niềm cô giáo bị học trò bật lại giữa lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nhắc nhở về cảnh ôm nhau trong lớp, cô giáo độc thân đã bị học sinh "nhắm" vào điều khổ tâm. Một cô giáo trẻ khác đã sốc khi trò lạnh lùng "cô chỉ là giáo viên dạy môn phụ".

Phải chẳng khái niệm "tôn sư trọng đạo" đang bị phai mờ?.
Mắng cô giáo vì không được ra ngoài
Người xưa vốn có câu “tôn sư trọng đạo”, đi học không chỉ học kiến thức mà còn học lễ nghĩa, học cách làm người… Nhưng giờ đây, một số ít học sinh quên đi điều này. Câu chuyện có thật được kể lại bởi một cô giáo trẻ mới ra trường, và khiến ai nghe xong cũng bất ngờ.
Thanh là cô giáo mới tốt nghiệp đại học, với tấm bằng loại giỏi cô muốn mình được nhanh chóng đi làm để ổn định cuộc sống và được cống hiến. Thanh được nhận vào làm giáo viên hợp động tại một trường dân lập ở Hà Nội.
Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử, môn học được không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh đánh giá là môn phụ. Vì thế cô cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn cùng lớp bởi đã nhanh chóng xin được việc, dù mới chỉ là giáo viên hợp đồng.
Năm đầu tiên dạy học, Thanh được nhà trường phân công dạy môn lịch sử tại khối lớp 9 của trường. Mỗi tuần Thanh cũng chỉ có một tiết ở mỗi lớp. Trong những ngày đầu đứng trên bục giảng ấy, tiết dạy đầu tiên của Thanh ở một lớp 9 của trường đã để lại nỗi buồn, niềm chua xót trong lòng cô giáo trẻ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên lớp, Thanh hy vọng buổi học này sẽ thành công. Tiết học diễn ra khá suôn sẻ, học sinh tuy không chịu giơ tay phát biểu nhưng cũng không em nào công khai làm chuyện riêng hay mất trật tự, phá lớp.
Chỉ còn 5 phút nữa là giờ học kết thúc, Thanh đang tổng kết bài học và có một số yêu cầu cho học sinh. Đang giảng bài phía trên, bất ngờ một nam sinh trong lớp đứng dậy và xin cô cho ra ngoài.
Do chỉ còn vài phút nữa là hết giờ, Thanh yêu cầu học sinh ngồi xuống và không đồng ý cho em ra ngoài, cô nói: “Chỉ còn 5 phút nữa là kết thúc giờ học rồi, em ngồi xuống ghi nốt bài đã nhé”.
Thấy không được cô giáo đồng ý cho mình ra ngoài, cậu học sinh tên Thắng lập tức đứng dậy văng tục mắng Thanh ngay trước lớp: "Cô là cái gì mà không cho tôi ra ngoài, cô cũng chỉ là giáo viên dạy môn phụ mà thôi!”, rồi thản nhiên đi ra.
Bất ngờ và “sốc” khi thấy phản ứng của Thắng, cô Thanh vẫn cố kiềm chế để hoàn thành buổi học.
Giờ học kết thúc, trong lòng Thanh nặng trĩu một nỗi buồn và băn khoăn về chính bản thân mình, liệu có phải vì mình dạy chưa tốt mà các em học sinh phản ứng như vậy. Tuy nhiên việc học sinh có hành động vi phạm kỷ luật Thanh vẫn phải báo cáo lại với ban giám hiệu và phụ huynh để có biện pháp giáo dục.
Trong cuộc đời người giáo viên, không ít người gặp tình huống oái oăm bởi sự ương bướng của học trò. Ảnh Báo Quảng Ninh.
Nhưng cô giáo trẻ còn “sốc” hơn khi nhận được phản ứng từ ban giám hiệu và phụ huynh. Khi phản ánh sự việc với ban giám hiệu, cô chỉ nhận được câu an ủi: “Học sinh bây giờ nó thế đấy, phải chấp nhận. Hơn nữa trường mình là trường tư, em làm găng lên là học trò bảo bố mẹ viết đơn đổi giáo viên”.
Không những thế, khi phản ánh sự việc với phụ huynh của Thắng, cô Thanh không ngờ họ cho rằng cô bịa đặt về con trai mình. Thắng chối nói rằng mình không làm như vậy và phụ huynh của nam sinh này thì hoàn toàn tin tưởng con.
Sự việc cũng đã trôi qua vài năm, giờ cô Thanh đã là giáo viên của một trường công lập có tiếng ở tỉnh nhà. Nhưng nỗi đau mà cô vấp phải trong những ngày đầu tiên đứng lớp là cú sốc khiến cô không thể nào quên.
Bị cô cấm yêu, nữ sinh phản ứng gay gắt
Cô Lan đã có gần hai mươi năm đứng trên bục giảng. Duyên số không may mắn nên đến giờ dù đã ngoài tứ tuần, cô vẫn một mình. Trong khi đó, những năm gần đây, chuyện tình yêu ở lứa tuổi học trò với đầy rẫy cạm bẫy và những hậu quả khó lường đã làm đau đầu bao phụ huynh, nhà trường.
Ban giám hiệu trường cô Lan dạy yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải quán triệt tinh thần đối với học sinh, cấm các em yêu đương và thể hiện tình cảm trong lớp. Bản thân cô Lan cũng cảm thấy ở lứa tuổi học sinh không nên để chuyện tình cảm ảnh hưởng đến việc học tập.
Một lần, do có việc đột xuất ở trường nên dù không có tiết dạy, cô vẫn lên lớp. Vừa bước vào đến cửa, cô sững sờ khi nhìn thấy hai học trò của mình: My và Hùng đang ngồi ở cuối lớp và … ôm nhau.
Giật mình khi nhìn thấy cảnh học trò thân mật, cô đến gần và yêu cầu My và Hùng đi lên bục giảng gặp cô.
Cô Lan rất tức giận và mắng học sinh của mình, cô yêu cầu hai em chấm dứt những hành động phản cảm như vậy để tập trung vào việc học. Thấy cô giáo mắng, My phản ứng lại: “Cô không yêu, không có chồng thì thôi, sao cấm chúng em yêu nhau!”.
Nỗi chua xót bấy lâu nay cô giấu kín giờ đây bị chính những học trò khơi dậy. Cô buồn và tủi thân cho hoàn cảnh của mình, và cũng đau xót bởi thái độ của học sinh. Dù vậy, biết rằng học trò của mình còn trẻ, bồng bột và chưa thể hiểu hết chuyện.
Cô Lan vẫn dùng mọi cách để hướng cho các em vừa giữ được tình cảm trong sáng của tuổi học trò vừa không ảnh hưởng đến học tập. Cô Lan chia sẻ: “Mắng chửi nhiều khi không đem lại hiệu quả với lũ trẻ, cái chúng cần là tình cảm thật sự và những lời khuyên đúng đắn”.
Xã hội và dư luận gần đây hầu như chỉ tập trung lên án việc học sinh bị giáo viên “hành” và chửi mắng. Nhưng nhìn lại, chính bản thân những người làm nhà giáo đã không phải một lần trong đời bị “bạo hành về mặt tinh thần” do chính học trò gây ra.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo An Hoàng
Infonet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)