Họ cũng là những học sinh bình thường như biết bao người khác. Hằng ngày họ cũng đến trường, cũng học tập…nhưng ít ai biết được những áp lực, những tâm sự thầm kín khó bày tỏ của họ khi phải đóng cả hai vai: con và học trò.
Con giáo viên = người học trò mẫu mực
Bước vào cổng trường là toàn bộ bài vở của ngày hôm ấy phải được chuẩn bị thật chu đáo. Đó là nhiệm vụ đầu tiên bạn phải hoàn thành. Trong giờ học, nếu những học sinh khác có thể thoải mái ngắm mây bay, hay viết giấy chuyền tay nhau nhưng bạn thì không. Bạn phải luôn luôn chăm chú lắng nghe, hăng hái phát biểu ý kiến cho dù tiết học ấy có…oải đến như thế nào. Nếu không ư? “Một phút mất cảnh giác là lãnh hậu quả ngay!” – B.Minh * (11 NBK, Tam Kỳ, Quảng Nam) tâm sự. “Mình nhớ như in giờ Văn năm học lớp 9. Mình chỉ mới quay sang thì thầm với thằng bạn mấy câu, đúng 5 phút sau, vào giờ ra chơi, mình đã lãnh ngay bài thuyết giáo của mẹ rồi. Khổ lắm!” – B.Minh bức xúc. Và cậu bạn ấy còn liệt kê ra hàng loạt những nỗi khổ. “Hôm ấy mình quên đeo huy hiệu Đoàn, đúng vào ngày ban nề nếp đi kiểm tra. Bạn Minh cũng không đeo sao thầy không ghi tên. Thế là ngay hôm sau, tên mình được xướng lên trong giờ chào cờ cũng những học sinh khác, chắc bạn cũng biết hậu quả là gì rồi….”
“Nói chung, nếu có bố hay mẹ làm việc trong trường, nhất là giáo viên, bạn phải là một học trò mẫu mực, không được vi phạm bất kì những lỗi lầm mà bất kì người học sinh nào cũng có thể phạm phải!” – B.Minh kết luận.
Con giáo viên = trung tâm của sự chú ý
“Có khi mình trở thành sao trong trường ấy chứ!” – X.Tuyết (12 TCV) mở đầu câu chuyện bằng một câu nói đùa kèm theo nụ cười…méo xệch. “Hôm ấy mình mặc gì, nói gì, đi đứng ra sao đều được tụi bạn cùng lớp để mắt đến. Có hôm dậy muôn quá, quên chải đầu chạy ù đến lớp. Bước vào lớp là nghe liền lời xì xầm Mẹ thì diện như vậy mà để con gái… Tức không chịu nổi!” – X.Tuyết kể về những năm tháng cấp II đầy “sóng gió” của mình. “Đó là chưa kể đấy chuyện bài vở, kiểm tra nữa. Cứ khi nào kiểm tra là tụi nó cứ hỏi Mẹ mày có nói gì không? Học bài nào vậy? Đề tự luận ra sao? Mình trả lời không biết thì nhận ngay những ánh mắt hình viên đạn từ phía tụi nó. Khi phát bài ra, nếu điểm cao thì Mẹ dạy Văn mà con không biết mới chuyện lạ!; nếu điểm thấp thì Mẹ dạy Văn mà điểm nó thấp vậy nói gì đến tụi mình! Bó tay luôn! Nhiều lúc bỗng dưng…muốn khóc mà cứ nghẹn lại trong cổ ấy. Đúng là có nhiều lúc thầy cô cũng bỏ qua những lỗi nhỏ nhưng đâu phải mình không làm được gì. Oan cho mình lắm! Cũng may mà khoảng thời gian ấy trôi qua nhanh, nếu không thì…không biết mình ra sao nữa!” – X.Tuyết ngân ngấn nước mắt.
Đ.Loan (10, THPT X) thì gặp phải nhiều tình huống oái ăm hơn Tuyết nhiều bởi vì cô bạn này là con của….thầy Hiệu trưởng. Bố của Loan là một thầy giáo rất nghiêm khắc nên rất nhiều bạn học sinh không thích. Chính vì vậy, Loan trở thành nơi để người khác trút giận. Trước khi vào trường, tên của Loan đã được gạch đỏ trong danh sách trúng tuyển bởi một bàn tay “vô ý” của ai đó. Và những ngày đầu của cô bạn này cũng thật khó khăn. Người viết bài đã tận tai nghe thấy những lời nói, tận mắt đọc nhưng entry không hay thậm chí có phần xúc phạm về Loan, chỉ vì…tính năng động, nhí nhảnh của cô bé 9X (xin không nêu ra ở đây). “Em có nói xấu, làm gì ai đâu mà ai cũng nhìn em như vậy….” – Đ.Loan nghẹn ngào.
Họ chỉ là những học sinh bình thường
Họ cũng ở độ tuổi như bạn, cũng là những người con hiếu thảo như bạn, cũng hằng ngày đến lớp như bạn vậy tại sao bạn không xem họ như chính mình? Hãy đặt mình vào tình cảnh của những người bạn ấy, bạn sẽ thấy được những nỗi khó khăn mà họ đang phải hàng ngày đối mặt. Họ phải là một học sinh gương mẫu, một đứa con hiếu thuận, không chỉ học cho mình mà phải học cho cả danh dự của bố, mẹ – những người vừa là thầy, cô vừa là đấng sinh thành. Vậy tại sao họ không thể trở lại đúng vị trí của mình, một người học sinh bình thường như bạn, như chính những người bạn thân của bạn? Xin lấy lời tâm sự nghẹn ngào đầy tâm trạng của Đ.Loan để thay cho lời kết: “Nhiều lúc mình chỉ muốn như những bạn khác, được thoải mái học tập, vui chơi hết mình. Mình chỉ xin được một ngày bình yên, chỉ một ngày không bị để mắt, không phải nhận những lời nói xấu cũng được….”.
(Theo Mực Tím)
Bình luận (0)