Về với miền đất phía tây Gio Linh-Quảng Trị ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của những cánh rừng cao su, hồ tiêu bạt ngàn cây lá. Nhưng cũng chính từ mảnh đất mà người ta vẫn thường hay gọi với cái tên thân thiết “miền đá”, đã và đang phát triển một nghề gắn liền với đặc thù tự nhiên của vùng trung du gò đồi này, đó là nghề chẻ đá.
Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp họ vượt qua những vất vả, đắng cay..
“Vương quốc” của loài đá xanhChúng tôi đến xã Gio Hòa nơi có những đồi đá trải dài, hầu như gia đình nào cũng có chồng, anh hoặc em trai là những người thợ chẻ đá lành nghề.
Chốn này xứng danh là vương quốc của đá hay cái tên khác dân dã, ví von hơn là “miền đá”. Đi đâu người ta cũng bắt gặp toàn là đá. Đá nằm lộ thiên trên mặt đất, đá khuất sâu dưới lòng đất, đá xuất hiện mọi nơi. Mỗi ngôi nhà ngói đỏ đều xây lên từ móng là những viên đá kết thành.
Loại đá đặc trưng của “miền đá” mà người dân quanh vùng vẫn gọi là đá xanh. Lí do đơn giản vì bên trong những tảng đá này khi người thợ chẻ ra có một màu xanh nước biển tự nhiên rất đẹp.
Đá nằm trong lòng đất cách 2 hoặc 3 mét, những khối đá xanh khi được đào lên thường có hình khối bất định như hình bầu dục, hình elip… Loại đá xanh đã được sử dụng từ thời xưa khi ông cha ta lấy đá đắp bờ đê ruộng hay làm thành các hệ thống giếng đá cổ nổi tiếng của vùng đất này.
Từ xa xưa là vậy, cho đến nay đá xanh được người dân xem là một nguồn tài nguyên tự nhiên cần khai thác để phục vụ nguyên liệu cho các công trình xây dựng. Một trong những biểu hiện rõ nhất là nghề chẻ đá đang tồn tại và phát triển không ngừng.
Công việc nặng nhọc nhưng tiền công lại thấp…
Phút trải lòng của người thợ chẻ đá
Có đi sâu tìm hiểu chúng tôi mới thấy được sự vất vả, đắng cay của nghề chẻ đá, cái nghề cũng như bao nghề khác trong cuộc sống mưu sinh của những con người nhỏ bé.
6 giờ sáng khi từng giọt sương vẫn còn đọng trên những tán lá cây cao su xanh biếc thì đã nghe những tiếng lếch kếch, leng keng của những người thợ chẻ đá đang làm nghề. Hình ảnh đặc trưng là những chiếc búa, ve và các thanh nêm nhiều kích cỡ khác nhau đang liên tục găm vào các khối đá.
Để chẻ được một khối đá còn nguyên vẹn cần phải có kinh nghiệm mà những người trong nghề vẫn thường kháo đùa với nhau “Phải yêu và mến đá”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Thiệu Quang Lập một người đã làm nghề chẻ đá hơn 20 năm tiết lộ: “Hiểu tính đá và nắm bắt được hình dạng của tứng khối đá khác nhau để xác định những điểm cơ yếu trên khối đá, từ đấy mới có thể chẻ được đá”.
Thường những người thợ làm đá ban đầu khi mới bước vào nghề được các bậc đàn anh, cha chú chỉ dạy rất kỹ lưỡng. “Do cái nghề yêu cầu như vậy, ai không biết, không bao giờ trở thành thợ chẻ đá được”, anh Lập chia sẻ thêm.
Học nghề đã khó, trở thành một người thợ lành nghề còn phải đối mặt với biết bao khó khăn có khi là nguy hiểm
Tuy đã mất đi một phần ngón tay trỏ nhưng anh Chiến vẫn theo nghề chẻ đá vì cuộc sống mưu sinh…
Những vết thương do các mảnh đá nhỏ trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể là điều quá đổi bình thường đối với một người thợ. Hằng ngày, cứ đối mặt với những mảnh đá dăm trên cơ thể đã làm cho những con người này trở nên chai lì không còn cảm giác đau đớn như những ngày đầu làm nghề.
Ở mức độ nguy hiểm hơn, trong khi chẻ bị đá đè, hay quá trình bóc vác đá lên xe bị sơ xuất. Nói đến điều này, anh Lập kể cho tôi trường hợp của anh Chiến người bạn thân cũng là người làm nghề chẻ đá như anh.
Trong lúc đang nâng đá lên để tạo thế bắt đầu quá trình đóng ve và các thanh nêm vào khối đá, bất ngờ khối đá mất đà ngã ngược lại vào tay anh, tuy rút tay nhanh nhưng anh đã bị mất đi một phần ngón tay trỏ do đá đè nát. Đó còn chưa kể đến trường hợp của những người thợ bị gãy chân, bị chấn thương ở đầu là điều không hề hiếm trong giới chẻ đá.
Sau những tai nạn có người bỏ nghề, có người dù có yêu nghề cũng không thể quay trở lại được với nghề do sức khỏe không cho phép.
Chứng kiến sự đắng cay của nghề chẻ đá càng xót xa hơn khi ngày công của những người thợ này vẫn còn quá thấp so với sức khỏe và mức độ nguy hiểm mà họ phải đối mặt. Làm việc thì được mỗi mùa nắng dưới nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến gần 40 độ, những người thợ chẻ đá cao lắm một ngày cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng, còn lại trung bình từ 100-120 nghìn đồng.
Công sức bỏ ra là vậy nhưng không may bị tai nạn thì tiền làm ra không bù cho tiền thuốc men chữa trị. Vì vậy mỗi người thợ đều tự nhũ phải bảo vệ bản thân mình vì gia đình và vì miếng cơm manh áo.
Tìm hiểu và biết về những vất vả của nghề chẻ đá, chúng tôi hỏi anh Lập có khi nào anh có ý định bỏ nghề này không thì anh chỉ trả lời ngắn gọn: “Nếu bỏ thì tui đã bỏ nó cách đây 20 năm rồi”.
Nghề nào nghiệp ấy, chia tay với những người thợ chẻ đá dũng cảm chúng tôi thầm mong sao cho những điều bất trắc sẽ không còn xảy đến với các anh. Để nghề đá vẫn là một nghề kiếm cơm của những con người lao động cần cù.
Văn Nhân
Theo Pháp Luật VN
Bình luận (0)