Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nỗi niềm của tiếng cười và nước mắt

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu kịch TP.HCM đang phát triển đa dạng nhưng thiếu cân đối. Sau những chọn lựa đường đi nước bước khác nhau là những nỗi niềm mong được chia sẻ.

Vở Thần tượng… tượng thần hút khán giả đến chỉ xem Kiều Oanh diễn hài – Ảnh: T.T.D.

Bà bầu Hồng Vân, NSƯT, thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch thành phố, là cái tên đã đóng đinh với nhiều vai diễn chính kịch, khi chuyển sang làm bầu của sân khấu kịch Phú Nhuận và sau này thêm sân khấu kịch Hồng Vân, đã dẫn dắt sân khấu của mình đi theo hướng mặn mà với náo kịch, kịch đùa, kịch kinh dị.

Mệnh lệnh của khán giả

Bà bầu Hồng Vân lý giải: "Bối cảnh xã hội thay đổi, khán giả kịch giờ cũng thay đổi – chủ yếu là giới tiểu thương, khán giả viên chức cũ cũng đã đổi gu thì kịch cũng phải thay đổi. Với đoàn kịch tư nhân, khán giả là chuyện sống còn. Khán giả của sân khấu chúng tôi, ngay cả trí thức, vẫn chọn hài chứ không chọn bi. "Cuộc sống đã mệt mỏi, nặng nề và nhiều áp lực quá rồi, chúng tôi chỉ muốn coi một cái gì đó vui vẻ, nhẹ nhàng".

Ðó là yêu cầu của khán giả, mà yêu cầu của khán giả chính là mệnh lệnh cho các đoàn tư nhân. Với tôi, ao ước khán giả như xưa, mình sẽ bị lỗi thời và giống như mình hèn nhát quá. Vì ở thời điểm này chứng tỏ được bản lĩnh của mình, tài nghệ của mình là chứng tỏ ở khả năng chinh phục khán giả, bởi khán giả bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn. Tôi không có ao ước nào khác ngoài điều đó, mình ở thời điểm nào thì sống với thời điểm đó".

Cười mãi cũng mỏi miệng

Với đạo diễn – nghệ sĩ Ái Như, con đường đi của chị cho đến tận bây giờ vẫn gắn chủ yếu với các vở tâm lý xã hội, trữ tình, kịch lãng mạn: “Cá nhân tôi, tôi yêu thích nó hơn, yêu vô cùng. Điều này trở thành con đường vạch ra để mình đi.

Những vở của tôi không phải không có yếu tố giải trí – vẫn tràn ngập nhưng phải bảo đảm thỏa mãn nhu cầu suy ngẫm của khán giả, trung thành với ý nghĩa đích thực của nghệ thuật: đi cùng, đồng hành và dẫn dắt công chúng. Nếu thuần túy chỉ để mua vui thì cũng chán, cười mãi cũng mỏi miệng. Con người vẫn có lúc muốn nhìn ngắm mình trong một sự suy tư. Sự suy tư này làm cho người ta giàu có hơn về tinh thần.

Dù khán giả của những loại kịch này có ít hơn, nhưng hằng đêm khi ánh đèn sáng lên, tôi chờ đợi những khán giả của tôi, tôi theo dõi những ánh mắt trân trọng, ân tình của họ dành cho vở và tôi cảm ơn điều đó. Vẫn còn những khán giả mà sự xuất hiện của họ đã bù đắp cho nỗi hằng đêm tôi chờ đợi họ.”

Nhưng rồi sau đó, Hồng Vân nói thêm: "Nếu tôi là diễn viên thuần túy thì còn có sự lựa chọn. Chứ giờ tôi là bầu thì dù có là trào lưu gì đi nữa cũng phải theo rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện lèo lái, dẫn dắt. Phải đa dạng khán giả và mở rộng thị phần cái đã. Mới đây tôi dựng vở Mẹ và người tình hoàn toàn là chính kịch, nếu ngày xưa sẽ đầy nước mắt và thoại rất nặng nề, nhưng giờ phải nhẹ nhàng. Ðó là bảo tồn những thứ mình đã học trong sự hợp thời. Những vở chính kịch như xưa giờ diễn không ai coi. Bản thân tôi cũng không muốn coi".

Cũng ở tâm thế "một mình em đóng cả ba vai chèo" như Hồng Vân là NSƯT Thành Lộc. Anh vừa là diễn viên, đạo diễn, vừa là giám đốc nghệ thuật của Công ty nghệ thuật Thái Dương. Thành Lộc cho biết: "Với góc độ một diễn viên, tôi thích diễn vai bi hơn hài. Diễn hài mệt lắm! Hài mà có thể thuyết phục được người ta đằng sau tiếng cười còn có cả nước mắt là rất mệt".

Một cái nhìn chung, Thành Lộc không phân biệt hài – bi. Ðối với anh đấy chỉ là thủ pháp nghệ thuật. Chọn thủ pháp nào để dựng vở cũng giống như chọn chìa khóa nào để thông điệp được truyền tải đi một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, ngoài ra không có giá trị gì hơn. Anh cũng đồng nhất: "Vở nào cũng nhằm mục đích giải trí, nghệ thuật là giải trí. Vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi cũng là vở cho người ta giải trí, độ đậm nhạt khác nhau tùy đối tượng. Ngay cả giới trí thức hạng nặng như luật sư, thẩm phán, khi gọi điện cho tôi đặt vé cũng hỏi: có cười không em? Cuộc sống xã hội là đơn đặt hàng của nghệ thuật mà. Ở ta có một điều chắc chắn là vở chính kịch, bi kịch có tuổi thọ ngắn hơn hài kịch. Có dịp ra nước ngoài, tôi cũng thấy hài kịch gây chú ý hơn bi".

Cuối cùng anh kết luận: "Bi – hài không phải vấn đề của tôi. Tôi không đau đáu với thể loại nào vì quan niệm của tôi về thể loại rất rộng mở, chỉ là cái vỏ của nội dung, kịch bản có dày hay không mới là quan trọng".

Nghệ sĩ sống cùng hi vọng

Hiện nay, chính kịch thường được hiểu là những vở có chiều sâu triết lý trong tư tưởng và nghiêm trang trong màu sắc thể hiện, nhưng với quan niệm mới, yếu tố giải trí được coi trọng và thường chọn hình thức nhẹ nhàng, màu sắc tươi tắn để chuyển tải. Ðây cũng là những giá trị mà sân khấu 5B đang theo đuổi với trụ cột là đôi bạn nghệ thuật Thành Hội, Ái Như.

"Nghệ thuật sinh ra từ nỗi thống khổ của con người. Khi giọt nước mắt của người nghệ sĩ rơi xuống, khi đó nghệ thuật mọc lên" – NSƯT Thành Hội nói về quan niệm nghệ thuật của anh. Và trên suốt cả một hành trình kịch nghệ dài mấy mươi năm của mình, hành nghề như một người "viết, dạy, dựng và diễn kịch", Thành Hội trung thành với lý tưởng này, dù hoàn cảnh của bản thân và của kịch có nhiều thăng trầm, biến đổi. Mọi sự biến đổi, chính kịch cũng biến đổi, anh chấp nhận sự biến đổi này trong bản thân chính kịch để song hành cùng nó, cùng khán giả của nó, chứ không biến đổi theo kiểu nhảy phắt từ bi sang hài.

Tuy nhiên, với kịch, Thành Hội vẫn là người đang sống "với những hi vọng". Ai cũng hiểu muốn làm kịch chính thống, có tầm vóc thì chỉ có những người làm kịch chính thống, có tầm vóc thôi chưa đủ, phải có một sân khấu đúng nghĩa, phải có kinh phí đầu tư đúng mức, phải có khán giả của chính kịch. Những yếu tố đó tạo nên bầu sinh quyển cho chính kịch mà hiện nay, bầu sinh quyển này phần nhiều nằm trong ước mơ.

Lo lắng trước "tình hình sức khỏe" của loại kịch mình vẫn theo đuổi, nghệ sĩ Ái Như tâm sự: "Người nghệ sĩ chỉ biết trổ hết tâm sức của mình. Nếu mọi người thấy không cần thiết sự có mặt của chính kịch thì tất yếu chính kịch phải đi vào con đường suy tàn. Bản thân tôi không tin điều đó. Tôi nghĩ rằng những đề tài về con người thì vẫn muôn thuở: tình yêu, sự sống, nỗi đau khổ, niềm hoan lạc – và người ta vẫn cần phải xem vì nó chính là họ, một sự mô phỏng từ cuộc sống".

HẢI BĂNG (Theo TTO)

Bình luận (0)