Nghề gia sư có lắm nỗi niềm… Ảnh: I.T |
Không biết từ bao giờ, gia sư đã được coi là một nghề để nhiều người lựa chọn, nhất là trong giới sinh viên (SV). Họ được gọi là thầy giáo, cô giáo, được xếp vào những nghề cao quý. Thế nhưng, phía sau vẻ hào nhoáng đó là những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai…
Thực tế… “khoán”
Không thể chối bỏ những cái “được” mà nghề gia sư mang lại. Đây là công việc tương đối nhẹ nhàng và phù hợp với mọi đối tượng SV. Không chỉ có thu nhập ổn định, nhiều người còn coi đây là cơ hội rèn luyện khả năng sư phạm để khi trở thành những “ông cử”, “bà cử” sẽ không còn ngại ngùng trên bục giảng. Thế nhưng đằng sau cái “được” đó là những góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Đa số học sinh được phụ huynh tìm gia sư về dạy đều thuộc vào hàng con nhà khá giả và phần lớn trong số đó lại bị mất kiến thức do ham chơi hoặc bố mẹ không quan tâm. Không ít phụ huynh tìm thầy về dạy cho con mình rồi “khoán trắng” trách nhiệm cho người dạy, đến tháng trả tiền, coi như hoàn thành nghĩa vụ. Đáng buồn thay, chính điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý con cái họ. Tư tưởng coi thường giáo viên cũng bắt đầu từ đó. Thùy Dương, SV Trường ĐH Văn Hiến trầm ngâm một hồi lâu khi tôi hỏi về những cái “không được” trong “nghề”. Tính đến thời điểm này, cô đã có ba năm “thâm niên” trong nghề làm gia sư. Không ít lần, Dương đã phải kìm lòng lại để không rơi nước mắt trước học trò. “Có lần, tôi nhận dạy kèm cho một HS lớp một trường Y. Đó là HS cá biệt với bảng “thành tích” đổi gia sư tới… 5 lần trong một tháng. Bằng kinh nghiệm trong những lần dạy các lớp trước, tôi đã dùng nhiều biện pháp như quát mắng, dùng thước gõ vào bàn, vào bài học. Có lần không kiềm chế được vì thái độ lì lợm của nó, tôi đã lỡ tay kéo tai học trò của mình. Buổi sau tới dạy, tôi được phụ huynh gọi vào “nói chuyện riêng” với đại ý: thuê gia sư về để dạy học chứ không phải để dạy dỗ con cái họ. Kể từ hôm đó, những biện pháp tôi đã đưa ra không còn hiệu lực với đứa trẻ “cứng đầu” này nữa. Cay đắng hơn, tôi đọc được trong ánh mắt của nó sự coi thường đối với kẻ làm thuê”.
Trên thực tế, những trường hợp như Thùy Dương đã không còn là chuyện mới mẻ. Việc “khoán trắng” dạy học cho giáo viên còn có thể lý giải rằng đó là một phần trách nhiệm. Nhưng có phụ huynh không chỉ “khoán” chuyện học hành mà còn để gia sư “kiêm” luôn những chuyện “ngoài lề” khác. Minh Thy (ĐH SP TP.HCM) nhận dạy kèm cho một học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Ngô Thời Nhiệm. Con đường từ nhà tới chỗ dạy của cô luôn gắn liền cùng hai “trọng trách”: đón học sinh từ nhà giáo viên chủ nhiệm và… mang tỏi ớt ngâm sẵn từ một cơ sở tới nhà học sinh. Hỏi ra mới biết, gia đình của em học sinh đó mở quán phở ở gần nhà. “Ban đầu, mình định không nhận vì thấy kì quá. Nhưng gia đình họ cứ nói khó, thành thử không nhận lời lại thấy áy náy. Mà thù lao cho chuyện này cũng chỉ được thêm 100.000đ/tháng”, Thy tâm sự.
…Và chuyện tiền nong
Xung quanh vấn đề tiền nong trả cho gia sư cũng còn nhiều chuyện để nói. Đến tháng trả lương, gia đình nào tế nhị thì cho tiền vào phong bì, kín đáo đưa cho thầy cô. Nhưng xem ra, ít nhà nào làm được điều đó. Phần lớn, họ đếm tiền rồi đưa thẳng tay cho thầy, cô, bất chấp sự có mặt của con cái mình và thái độ của người nhận. Có gia đình còn cố tình lờ đi chuyện trả tiền, chỉ đến lúc được “nhắc khéo” thì mới thực hiện. Có mặt tại một trung tâm gia sư trên đường Trần Văn Đang (Q.3), chúng tôi được chị Thùy Trang, phụ trách trung tâm kể cho nghe những câu chuyện thật đáng buồn. Đó là câu chuyện của H. SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Để tăng thêm thu nhập cho bản thân, H. đã nói dối mình là giáo viên của một trường ở trung tâm thành phố. Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu cô không vô tình nói cho học trò của mình biết cô là sinh viên. Hôm sau tới dạy, cô bị mẹ của học trò “nói khéo”. Những lời nói nặng nề cùng thứ âm thanh chua chát của phụ huynh đã gây tò mò cho những người quanh khu nhà kéo lại. H. bỏ chạy trong sự hoảng sợ mà quên mất mình còn một thứ tài sản quý giá nữa là chiếc xe đạp. Để có thể lấy lại được chiếc xe, cô phải nhờ một người bạn tới lấy hộ. Và lẽ dĩ nhiên, cuộc “thương lượng” cũng chẳng dễ dàng gì. Tháng lương đầu tiên của H. cũng đành “ngậm ngùi” ở lại cùng gia chủ. Lại có một chàng sinh viên khác, tuy không nghiệt ngã bằng H. nhưng cùng chung kết quả là phải “say goodbye” với học trò của mình. Vô tình một lần anh đánh rơi thẻ SV, gia đình học trò biết được “gốc gác made in… SV” của anh. Tưởng chuyện sẽ không có gì xảy ra nhưng đến cuối tháng, số tiền mà SV này được nhận chỉ có 500.000 thay vì 800.000 như trước đây. Nhìn bảng giá trên tờ rơi của các trung tâm gia sư, hầu hết đều được chia ra hai cột: một dành cho SV và một cho giáo viên. Cũng sử dụng thời gian như nhau, lượng kiến thức tương đương nhau nhưng giá cả hai cột này lại chênh nhau “một trời một vực”.
Ngọc Anh
“Với nhiều người, số tiền 200-300 ngàn đồng chẳng đáng là bao. Nhưng với SV, con số đó là bao khoản chi tiêu, đỡ đần được phần nào gánh nặng cho gia đình. Vì thế, dù biết rằng nói dối là không tốt nhưng nhiều SV vẫn phải thực hiện” Long, SV Trường ĐH GTVT TP.HCM tâm sự. |
Bình luận (0)