Hiện nay, ở tiểu học, giáo viên giảng dạy được chia làm hai nhóm: giáo viên nhiều môn và giáo viên bộ môn. Giáo viên nhiều môn thường được phân công kiêm nhiệm làm công tác chủ nhiệm và chỉ dạy một lớp mình chủ nhiệm. Giáo viên bộ môn như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… phải dạy nhiều lớp cho đủ số tiết quy định. Chính vì dạy ở nhiều lớp và không làm công tác chủ nhiệm nên giáo viên bộ môn gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo quy định, giáo viên bộ môn ở tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần nên thầy cô phải phụ trách từ 10 đến 23 lớp là chuyện thường xảy ra. Vất vả đầu tiên của giáo viên bộ môn là nhớ tên học sinh ở mỗi lớp và phải theo dõi, ghi nhận để có thể đánh giá định kỳ cho từng học sinh được chính xác. Dường như giáo viên nào cũng phải có danh sách hoặc sổ tay để ghi lại thái độ học tập của từng học sinh ở mỗi lớp. Vì không là giáo viên chủ nhiệm, mỗi tuần chỉ gặp học sinh ở mỗi lớp 1-2 tiết nên phụ huynh và cả học sinh đều cho rằng đó là “môn phụ”, không cần thiết lắm. Hầu hết phụ huynh chỉ quan tâm đến hai môn toán và tiếng Việt, còn các “môn phụ” này dường như được phụ huynh cho qua, không kiểm tra, nhắc nhở con em học tập. Chính vì thế, học sinh ở lớp cũng lơ là khi học với giáo viên bộ môn.
Nhiều giáo viên bộ môn than thở rằng học sinh chỉ nghịch phá, nói chuyện trong giờ học của mình. Việc ổn định trật tự lớp tốn khá nhiều công sức và thời gian của thầy cô. Giáo viên bộ môn đã báo giáo viên chủ nhiệm biết về tình trạng này. Tuy giáo viên chủ nhiệm cũng cố gắng nhắc nhở, khuyên răn học sinh của lớp mình nhưng chỉ giảm bớt một vài tuần rồi lại tái diễn. Ở các tiết học môn tiếng Anh, giáo dục thể chất, tin học, âm nhạc, mỹ thuật…, học sinh không tập trung học như thế nhưng đến kiểm tra đánh giá định kỳ, nhất là kỳ cuối năm thì số lượng học sinh được đánh giá, xếp loại tốt rất cao. Đây chính là nỗi bức xúc rất lớn của các giáo viên bộ môn. Mặc dù, chính giáo viên bộ môn là người đánh giá, xếp loại nhưng ít ai biết thầy cô phải đánh giá như thế vì áp lực từ phía phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và cả ban giám hiệu.
Theo quy định xếp loại học sinh xuất sắc ở cuối năm, các môn kiểm tra lấy điểm học sinh phải đạt điểm 9 trở lên kể cả môn tin học, tiếng Anh; các môn đạo đức, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật…, học sinh đều phải được đánh giá, xếp loại tốt. Vì vậy, nhiều học sinh đạt điểm 9, 10 môn tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử – địa lý…, nhưng không đạt được điểm 9 ở môn tiếng Anh, tin học hay các môn giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật không được đánh giá, xếp loại tốt, các học sinh ấy sẽ không được xếp loại xuất sắc. Vừa mới thăm dò, biết con em mình bị vướng “môn phụ” nên không được xếp loại học sinh xuất sắc, phụ huynh đã vào trường tìm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, thậm chí tìm cả ban giám hiệu để xin “cứu xét”. Có giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu chỉ yêu cầu giáo viên bộ môn xem lại đã đánh giá chính xác chưa vì thầy cô dạy rất nhiều lớp có thể thiếu sót hay nhầm tên khi đánh giá và hoàn toàn nhất trí với đánh giá, xếp loại đó nếu giáo viên bộ môn thực hiện chính xác. Tuy nhiên, không ít giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu dường như cũng xem trọng môn toán và tiếng Việt nên thường yêu cầu giáo viên bộ môn nâng điểm, nâng xếp loại vì môn toán và tiếng Việt học sinh đạt điểm cao mà không được đánh giá xuất sắc là “thiệt thòi” cho các em. Nhiều bất bình, mâu thuẫn đã xảy ra giữa giáo viên bộ môn với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu ở việc “nâng” đánh giá, xếp loại này. Có nhiều trường hợp, phụ huynh còn đến trường “quậy” giáo viên bộ môn khi thầy cô dứt khoát không nâng điểm hay nâng đánh giá, xếp loại để con em mình đạt học sinh xuất sắc. Phụ huynh thưa kiện giáo viên bộ môn với những lời lẽ thật “hùng biện” như: “Con tôi học rất giỏi. Môn toán và tiếng Việt lúc nào cũng 10 điểm, sao các môn này lại học không được?”, “Giáo viên tin học đã không có phương pháp dạy thích hợp nên học sinh không thích học”, “Giáo viên mỹ thuật dạy qua loa, không quan tâm đến học sinh nên con tôi nghĩ vẽ sao cũng được”, “Giáo viên nhạc đánh giá quá gắt gao, con tôi đâu phải là ca sĩ mà đòi hỏi cao quá”… Thực tế, giáo viên nhạc than thở: “Hát không đúng giai điệu, không thuộc lời bài hát thì làm sao xếp loại tốt được”. Còn giáo viên giáo dục thể chất giải trình: “Một bài thể dục có mấy động tác mà tập luyện cả tháng không nhớ để thực hành đúng, đánh giá đạt là quá dễ rồi!”. Trong khi đó, giáo viên tin học cầm bài kiểm tra của học sinh nói: “Học gì kiểm tra đó, phần lý thuyết 0 điểm, chỉ có điểm thực hành, vậy thì làm sao để có được điểm 9?”. Ở các lớp có nhiều học sinh khá giỏi thì phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và cả ban giám hiệu đều muốn lớp có nhiều học sinh xuất sắc để có thành tích thì giáo viên bộ môn còn khổ thêm. Nhiều giáo viên bộ môn chia sẻ rằng, nếu đánh giá đúng theo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì các môn này học sinh rất khó xếp loại tốt. Các thầy cô đã rất “thoáng” trong đánh giá, xếp loại rồi, nếu giờ phải tiếp tục nâng thì các môn học này sẽ càng “mất giá” trong mắt phụ huynh, học sinh, và các môn này càng “bị xem thường” vì không cần học cũng tốt. Chưa kể giáo viên bộ môn còn bị học sinh chất vấn: “Sao bạn A. vẽ không đẹp, tô màu lem luốc mà thầy cô vẫn xếp loại tốt như em vậy?”, “Bạn B. toàn làm sai động tác mà cuối cùng cũng tốt vậy thầy?”… Thầy cô thật sự “khó xử” trước những câu hỏi hoàn toàn xác đáng của học sinh.
Các giáo viên bộ môn có tâm huyết, có sự công tâm trong đánh giá, xếp loại học sinh thật sự rất mệt mỏi khi phải thường xuyên giải trình, minh chứng cho phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu về việc đánh giá, xếp loại học sinh mỗi khi có học sinh “vướng” môn mình đang dạy không đạt xuất sắc ở cuối năm. Nhiều thầy cô chán nản, ngán ngẩm nên cuối năm cứ hỏi giáo viên chủ nhiệm tên học sinh nào có khả năng đạt học sinh xuất sắc là đánh giá, xếp loại tốt cho khỏi “phiền phức” hoặc được đề nghị nâng học sinh nào thì nâng cho “lành”.
Thiết nghĩ, nhà trường không chỉ giải thích rõ cho phụ huynh về cách đánh giá, xếp loại hiện nay mà điều quan trọng hơn là phải diễn giải cho phụ huynh hiểu rõ về việc giáo dục, giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Khả năng học tập của học sinh ở môn ấy thế nào thì phụ huynh cũng phải chấp nhận sự đánh giá, xếp loại thế đó. Đừng vì thành tích mà phụ huynh vô tình đã góp phần làm cho con em mình dần mất đi phẩm chất trung thực. Giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu cũng thế, đừng vì quá thương học sinh chỉ vì một “môn phụ” mà mất tất cả danh hiệu hay vì áp lực thành tích của lớp, của trường mà “đẩy” giáo viên bộ môn vào việc làm sai, không trung thực trong đánh giá, xếp loại học sinh. Hãy để giáo viên bộ môn làm đúng trọng trách của mình!
Lê Phương Trí
Bình luận (0)