Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi niềm… môn chính, môn phụ!

Tạp Chí Giáo Dục

Không biết từ bao giờ, trong suy nghĩ của phụ huynh (PH), học sinh (HS) có môn học chính và môn học phụ! Theo đó, các môn học chính là toán, lý, hóa, sinh, Anh văn, văn; còn lại các môn khác, đa số thuộc bộ môn khoa học xã hội, là môn học phụ…

Ngay cả trong đội ngũ giáo viên (GV), trong ban giám hiệu cũng có quan niệm này. Những GV được đầu tư, được tôn vinh đều là những GV môn chính vì họ tạo ra đội ngũ HS giỏi; đưa tỷ lệ tốt nghiệp, thi đậu đại học cao; góp phần tạo nên “thương hiệu” của nhà trường. Một GV toán, lý… luôn được “trọng vọng”, được “săn đón” hơn là một GV các môn khác. Ngay cả GV bộ môn văn, nếu là nam thì sẽ bị cho là “yếu đuối”, luôn được đồng nghiệp bộ môn khác nhìn với ánh mắt “thông cảm”!

Đa số PH, HS luôn chọn khối A, khối B; khối khoa học tự nhiên, chú trọng đầu tư học thật tốt để thi vào đại học. Rất ít HS thi vào khối C nên có sự nhìn nhận chưa đúng về người thầy các bộ môn phụ! Do tôi say mê môn văn thì tôi thi sư phạm văn; tương tự như vậy, các thầy cô dạy sử, địa lý… đều say mê bộ môn và đi theo ngành mình dạy.

Nhưng PH, HS lại suy nghĩ khác và cho rằng, nếu thầy cô đó giỏi thì tại sao không chọn môn toán, môn lý để đi dạy? Chắc cũng không chọn được môn nào nên “bí đường” thi vào các môn sử, địa cho… dễ đậu vì ít người đăng ký!

Trong học tập, HS luôn “sợ” hoặc luôn “ngưỡng mộ” các GV môn chính, thậm chí coi là “thần tượng” của mình! Đây cũng là tâm lý bình thường vì thầy cô đó dạy kiến thức để cho các em toại nguyện ước mơ là làm bác sĩ, kỹ sư… sau này. Nhưng một khi các em coi thường những môn phụ thì có hiện tượng coi thường luôn cả thầy cô dạy… Thái độ học tập không đúng, học cho có hoặc không nghe lời thường diễn ra.

Đây là những hành vi, những suy nghĩ cần được uốn nắn vì bộ môn nào cũng được dạy và học bình đẳng; đều có vị trí trong chương trình giáo dục…

Nền kinh tế thị trường đã có những tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến môi trường giáo dục. Ngoài xã hội, mọi người chạy theo đồng tiền; làm bất cứ việc gì, kể cả phạm pháp, để có nhiều tiền! Nhiều giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị lung lay, bị thay đổi…

Đó đây trong những ngày lễ như dịp 20-11; PH, HS thường có quan niệm đưa phong bì cho thầy, cô cho “gọn nhẹ mà ý nghĩa”; không còn cảnh trao những bông hoa, những tấm thiệp xinh xắn ghi những dòng tri ân thuở nào…

Môn chính, môn phụ là câu chuyện dài; không thể “san bằng” trong một sớm một chiều được. Nhưng điều đáng nói ở đây là cách cư xử, là thái độ của HS phải tôn trọng bất cứ GV nào; dù dạy môn nào nhưng tất cả là những người mang đến cho mình những kiến thức, những hiểu biết để mình trưởng thành mỗi ngày khi đến lớp…

Hng Lam Sơn

 

Bình luận (0)