Những năm gần đây, thông báo về tuyển sinh đầu cấp của các quận huyện bao giờ cũng có quy định: Không tuyển học sinh ngoài tuyến. Thế nhưng, đằng sau quy định “cứng” vẫn tồn tại một quy luật bất thành văn dành cho những trường hợp thuộc diện trái tuyến… được ưu tiên. Nên phụ huynh bằng mọi cách mọi… giá tìm đường cho con đến với những trường có tiếng lành đồn xa.
Mức độ nổi tiếng của trường càng cao, địa bàn càng gần trung tâm, áp lực gửi gắm càng nhiều. Chỗ học có giới hạn mà nhu cầu lại quá lớn, vấn đề nan giải cho các cấp quản lý là làm thế nào để giải quyết hết số lượng này. Bởi vậy, mùa tuyển sinh trở thành thời điểm mà ban giám hiệu các trường, quản lý các phòng giáo dục bất khả kháng đành xài chiêu “lặn”.
Một cô phó hiệu trưởng của Trường Tiểu học Đống Đa – trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia duy nhất của quận Tân Bình than thở: “Vào mùa tuyển sinh, ban giám hiệu trường phải thay sim điện thoại di động để hạn chế những cuộc gọi gửi gắm, xin vào trường. Phòng Giáo dục hoặc ai muốn liên hệ công việc đều phải điện thoại vào số của trường. Nếu chỉ ngồi nghe điện thoại, chắc không còn thời gian để giải quyết công việc!
Không chỉ thay nhiều sim điện thoại để “lánh nạn” trong thời điểm tuyển sinh đầy căng thẳng, đặc thù công việc quản lý bắt buộc không được “ngoài vùng phủ sóng” nên một số vị quản lý ngành giáo dục phải nhờ đến 3-4 chiếc điện thoại di động hộ thân và kiên quyết nói không với những số điện thoại lạ.
Không ít hiệu trưởng phải ngậm đắng khi sau mỗi đợt tuyển sinh khi bạn bè xa lánh dần. Nhiều phụ huynh tiếp xúc rất thiện chí nhưng không ít phụ huynh năn nỉ không được liền quay ra nói xấu do không đi cửa sau, biếu phong bì cho hiệu trưởng nên con mình bị loại. Hiệu trưởng chỉ biết kêu oan vì tuyển sinh là một quy trình thống nhất, khép kín từ trên xuống nên thực tế bản thân hiệu trưởng cũng lực bất tòng tâm vì không thể tự mình quyết định mọi chuyện.
Tâm lý phụ huynh ngày nay ai cũng muốn con mình vào học trường tốt, đạt chuẩn là chính đáng. Trường chuẩn chỉ có giới hạn mà nhu cầu thì vô vàn nên không thể trách phụ huynh vẫn cứ chạy khi mà chất lượng giữa các trường vẫn còn chênh nhau. Trường tốt thì quá tải người xin vào, còn ban giám hiệu những trường ít tiếng lại cám cảnh nỗi niềm của trường… hạng 2. Những trường ở địa bàn khó khăn hay điểm chuẩn đầu vào thấp bất đắc dĩ trở thành những trạm dừng chân tạm thời cho người học chờ cơ hội chạy vào những trường tốt hơn.
Theo Mỹ Hằng
(sggp)
Bình luận (0)