Nằm lơ lửng giữa “phố 3 sông” (sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang) hơn mấy trăm năm nay,nhưng những người dân thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gần như chưa một ngày được hưởng một cuộc sống trọn vẹn. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày “ốc đảo” sẽ có cầu, có nước sạch, có điện, đường, trường, trạm…
“Khát” ngày được có cầu!
Đông Bình là một trong số những “ốc đảo” hiếm hoi trên dải dất hình chữ S còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở về giao thông. Hơn 10 năm nay, trên 1.300 người dân sinh sống trên đảo phải qua sông bằng chiếc đò cũ kĩ với bao hiểm nguy rình rập.
Nhìn từ bên này sông Trường Giang, “ốc đảo” Đông Bình ngoi lên giữa lòng “đại dương” bao la trong màu xanh của cây cói
|
Chúng tôi về “ốc đảo” Đông Bình vào đúng mùa mưa gió bão bùng. Chiếc đò cũ nát may mắn đưa chúng tôi vượt sông Trường Giang an toàn. Vừa đi vào thôn, anh Đỗ Văn Hồng (30 tuổi, tổ 14) vừa trăn trở: “Đến mùa nước lên, người đi đò thấp thổm lo âu trước sóng dữ. Sợ và khổ nhất vẫn là các em học sinh đến trường. Từ 3-4 giờ sáng, các em đã thức dậy để tranh thủ qua đò cho kịp buổi học. Có khi, vì sợ các em trễ học, người lái đò phải chở quá tải”… Vào mùa lũ, “ốc đảo” hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài.Ở đây, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn từ các giếng đào dưới lòng đất để tắm giặt, sinh hoạt, có khi còn để uống (nếu không đi mua nước được). Thiếu nước, người dân đành phải xách can (thùng) đi qua bên kia sông để mua nước ngọt sử dụng với giá đắc đỏ từ 50.000 – 70.000 đồng/m3. Rồi chuyện chăm sóc sức khoẻ, học hành, thông thương với đất liền đến phát triển nghề chiếu cũng bị đình trệ. Nhưng tất cả những điều đó chưa đáng lo bằng nỗi sợ đau ốm vào buổi tối, vì khi ấy “ốc đảo” mới thực sự trở thành “ốc đảo” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nên cũng đành “bó tay”. Điều này đã nên tâm lý bất an và nơm nớp lo sợ.
Mơ về một chiếc cầu vượt sông Trường Giang là ước mơ bao đời nay của người dân thôn Đông Bình. Cuộc sống của 363 hộ dân đang bị đe doạ từng ngày, từng giờ, nhất là khi mùa lũ đang về. Trong khi chờ đợi dự án xây cầu được cấp trên chấp thuận thì con đò xập xệ này hàng ngày vẫn “lặng lẽ” chở người qua sông mà không một lời “than vãn”.
Vào mùa lũ, cây cầu phao bằng tre đi “ngủ đông” để nhường chỗ cho con đò ngang cũ nát
|
Lao đao cùng nghề chiếu?
“Không chiếu nào đẹp bằng chiếu Bàn Thạch;
Không lạch nào sâu bằng lạch Bùng Binh;
…Quê em Bàn Thạch chiếu nhiều;
Canh đay chỉ lát dệt nghìn đắng cay”…
Câu ca xưa nay chỉ còn trong ký ức của những người dân “ốc đảo” Đông Bình.
Lân la theo lời kể của một số vị cao niên trong thôn, chúng tôi được biết làng nghề dệt chiếu đã có lịch sử ngót 450 năm. Khi còn ở thời “hoàng kim”, sản phẩm làng nghề nổi tiếng gần xa, từng là sản phẩm trao đổi của các thương nhân Hoa kiều và cống phẩm cho triều đình. Tiếng thơm là vậy, nhưng giờ đã lùi về dĩ vãng…
Nghề dệt chiếu từ bao đời nay là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân sống trên đảo
|
Chị Trần Thị Bé (35 tuổi, tổ 11, gia đình 4 đời làm chiếu) trầm ngâm: “Cả làng không còn mấy người làm nghề này. Làm quần quật cả ngày chỉ kiếm được không đến 20.000 đồng. Cứ mãi bám cái nghề này thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Biết là khổ, là cực, nhưng “đã có duyên với nó thì cố mà giữ lấy, thà có còn hơn không.”
Nhiều đời qua đi, cái nghề “định mệnh” này vẫn cứ bám níu người dân “ốc đảo” như là duyên kiếp từ nhiều đời trước để lại.
Nghèo đến bao giờ?
Dù mang tiếng mảnh đất ngã 3 sông trĩu nặng phù sa bồi đắp, nhưng Đông Bình lại là một “ốc đảo” còn lắm cằn cỗi và hoang sơ. Mấy trăm năm đã trôi qua, cuộc sống đã lắm đổi thay, song Đông Bình ngày ấy… và bây giờ vẫn thế! Nghèo vẫn… nghèo.
Những mái nhà lụp xụp ven sông Trường Giang cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, xã hội
|
Năm 2011, cả thôn có 171 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo (so với năm 2010, giảm 16 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo). Hộ nghèo của thôn đã chiếm đến gần 50% và là thôn có số hộ nghèo nhiều nhất toàn huyện. Trong tổng số 363 hộ dân với 1.356 nhân khẩu thì có đến trên 70% làm nghề dệt chiếu, số còn lại sống bằng nghề đánh lưới, thả lồng ven triền sông. 2 nghề này là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày và chuyện học hành của con cái trên đảo. Nhưng rồi, nghề dệt chiếu cũng trở nên mong manh, nghề đánh bắt cũng khan hiếm. Thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt. Những mỏm đất nhỏ ven sông cũng trở nên hiu quạnh. 20.000 đồng/ngày từ nghề dệt chiếu, 25.000 đồng/ngày từ nghề đánh bắt cũng chẳng thấm vào đâu. Thoát nghèo chỉ có cách bỏ xứ đi làm ăn xa mong sao khấm khá hơn.
Vào mùa Đông, thôn bị cô lập, người dân lại nơm nớp nỗi lo thiếu ăn, sự hoành hành của “hà bá” có thể “nuốt” chửng “ốc đảo” khi nào không hay. Tuy vậy, nghèo khó quanh năm nhưng con cái trong thôn vẫn được học hành đến nơi đến chốn, thanh niên ít thất nghiệp, cảnh già không neo đơn. Gia đình ông Võ Đức Cương đã nhiều đời sống trên đảo, nhưng nỗi day đứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi gia đình ông.
Rời thôn đảo, xa những người dân quê lam lũ, chúng tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi cái nghèo nơi đây. Làm gì để vượt qua cái nghèo truyền kiếp luôn là trăn trở, ước vọng đời này qua đời khác của người dân nơi “ốc đảo”?
Dương Văn Út
Tin liên quan
Niềm vui ngày 20-11 năm nay đối với các thầy cô giáo dường như được nhân đôi khi tại kỳ họp thứ...
Ngày 14-1-1993, lần đầu tiên quan điểm “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra trong Nghị...
Để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua thách thức bằng...
Năm học 2024-2025, TP.HCM xây dựng nhiều điểm mới trong công tác tuyển dụng, trong đó đẩy mạnh phân cấp trao quyền...
Bình luận (0)