Dù đã công tác khá nhiều thời gian trong lĩnh vực giảng dạy và tư vấn tâm lý cho nhiều đối tượng người học. Song, những cảm xúc của mỗi lần tư vấn, gỡ rối tâm lý cho học sinh vẫn luôn đọng lại vẹn nguyên trong tôi kể cả đó là lần tư vấn đầu tiên, hay là những lần tư vấn giấu mặt.
Đối với một nhà giáo tư vấn tâm lý đòi hỏi rất nhiều về sự đồng cảm, chia sẻ, luôn biết đặt mình vào vị thế của đối tượng để lắng nghe và thấu hiểu bằng tất cả tấm lòng. Ảnh: IT
Nhớ nhất là câu chuyện cách đây vài năm có một phụ huynh đã thắc mắc rằng: “Sao trong suốt cả buổi tư vấn cho con tôi, tôi để ý chẳng thấy cô nói gì nhiều hay giảng dạy gì cho cháu. Vậy thật ra cô và con tôi đã làm gì trong thời gian đó? Tôi không muốn mất công đưa con đến đây, mà con tôi không nhận được giá trị gì từ cô?”. Tôi đã âm thầm nhận ra không chỉ cháu bé, mà bậc phụ huynh này cũng cần được tháo gỡ những vướng mắc trong lòng. Tôi giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng trao đổi: “Thế khi về nhà anh có thấy con mình có những dấu hiệu chuyển biến tích cực chưa? Cháu có chủ động trong học tập và các sinh hoạt cá nhân hơn trước đây không? Đó là những giá trị mà cháu cần có anh ạ!”. Bậc phụ huynh này ngậm ngùi thừa nhận: “Đúng là qua mấy buổi thổ lộ tâm tư, nguyện vọng với cô, con tôi đã sống cởi mở hơn, cháu tự chủ hơn trong hành vi của mình, cháu cũng thích được đi tư vấn hơn trước đây. Tại sao tôi suốt ngày nói đi nói lại với cháu mà nó “im như thóc” không thay đổi, trong khi chưa tiếp xúc với cô nhiều mà nó lại dốc hết lòng mình để tâm sự”. Tôi lại một lần nữa bày tỏ: “Bởi vì con anh cần một người biết lắng nghe để thấu hiểu cháu và tôi “vô tình” đã đáp ứng được nguyện vọng đó. Với chuyên môn của mình, tôi biết quan sát, lắng nghe cháu và tôi hiểu được nỗi lòng của cháu kể cả khi cháu chưa thổ lộ nhiều, chỉ cần thông qua cử chỉ, điệu bộ cháu phản ứng với cha mẹ, tôi biết cháu cần được giải tỏa những ấm ức, hẫng hụt trong lòng”.
Kỷ niệm đó thật đẹp khi tôi nhận được cuộc gọi từ chính bậc phụ huynh này: “Tôi vẫn nghĩ mỗi ngày cứ “rót” vào đầu con những điều mình mong muốn, lâu dần con sẽ thẩm thấu mà tiến bộ, không ngờ cách giáo dục chưa phù hợp bấy lâu nay của gia đình khiến con tôi càng ngày càng áp lực. Nhờ cô mà tôi đã nhận ra điều này trước khi quá muộn. Nhờ những buổi tư vấn của cô mà khoảng cách giữa cha con tôi ngày càng gần nhau hơn. Vì tôi đã học được cách lắng nghe con nhiều hơn nên chúng tôi không bắt con gánh lấy ước mơ của cha mẹ và cho con sống với ước mơ của chính mình. Cảm ơn cô giáo!”.
Giá trị của sự lắng nghe. Điều đó đã trở thành tôn chỉ của những ai muốn thành công trong công việc tư vấn tâm lý học đường. “Dục tốc bất đạt”, trong bất cứ công việc nào, sự vội vàng, hấp tấp đều không đạt được mục đích như mong muốn, trong giáo dục, tư vấn học sinh cũng vậy, rất cần sự kiên trì, chịu khó từ cha mẹ và những nhà sư phạm. Để tháo gỡ những nỗi lòng và những khó khăn, vướng mắc tâm lý của học sinh rất cần nghệ thuật lắng nghe từ một tấm lòng rộng lượng, bao dung. Vì thế, đối với một nhà giáo tư vấn tâm lý đòi hỏi rất nhiều về sự đồng cảm, chia sẻ, luôn biết đặt mình vào vị thế của đối tượng để lắng nghe và thấu hiểu bằng tất cả tấm lòng. Hơn nữa, những nhà tư vấn luôn phải biết kiên trì, công việc tư vấn luôn là khó khăn, vất vả, đôi khi chỉ cần thay đổi một thói quen, một hành vi nho nhỏ cũng đã là thành công. Những bậc phụ huynh hãy tin tưởng vào những nhà tư vấn, một khi họ được đào tạo bài bản về chuyên môn, về nghiệp vụ, có tình yêu trẻ nhất định họ sẽ giúp con bạn vượt qua những khó khăn để thành công trong cuộc sống.
Lê Phạm Phương Lan
Bình luận (0)