Tài xế lái đầu kéo container là người làm công ăn lương cho các ông chủ giàu có. Để vắt sức của họ, các ông chủ đe dọa liên kết đưa ra nhiều chiêu o ép buộc các bác tài "xe công" phải liều thân và đe dọa sinh mạng người đi đường bằng những chuyến xe bão táp. Sống ăn bờ ngủ bụi, lấy đêm làm ngày, phía sau những tay lái kia là vô số nỗi niềm nhọc nhằn khôn tả.
"Chạy xe công suốt đời long đong"
Vào vai tài xế mới ra lò đang cần việc, chúng tôi được bác tài tên Nguyễn Ngọc T. dáng người nhỏ thó đậu xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh khuyên: "Nếu có mối quen biết mày nên xin làm tài xế cho mấy chuyến xe khách, xe du lịch sướng hơn. Chạy vậy có giờ giấc ổn định, có chế độ bảo hiểm, y tế, lương thưởng đàng hoàng. Chứ chạy xe công tối ngày long nhong, sống đời long đong lận đận lắm!".
– Sao kỳ vậy anh? Em nghe nói chạy "xe công" sướng lắm mà. Có hàng mình chạy. Không có thì đi lai rai thôi?
Chỉ nặng chưa đầy 50kg nhưng điều khiển những chiếc xe siêu trọng trên 500 tấn, tình trạng sức khỏe của các bác tài xe công là chuyện cần quan tâm |
– Sướng cái con mắt mày đó! Chạy xe du lịch đời mới được ngồi máy lạnh, nghe nhạc êm tai. Còn lái mấy chiếc xe đầu kéo này cửa lúc nào cũng mở toang hoác hít bụi nám phổi luôn. Đã thế đầu óc tối ngày nạp vô mớ tạp âm ầm ầm do tiếng còi xe, tiếng máy nổ nghe muốn long óc.
Từ ngã 3 Cát Lái đến ngã tư tỉnh lộ 25B – Lâm Văn Bền (quận 2), trên đoạn đường chưa đầy 1km mà chúng tôi ghi nhận đủ thứ nỗi khổ của các bác tài xe container. "Lái xe khách, xe du lịch gì đó thì chú mày được đám chủ quán o bế với đủ món ngon, lại còn được dúi phong bì bồi dưỡng. Chứ lái xe công quanh năm suốt tháng ăn toàn cơm vỉa hè, ăn trong cảnh bụi bặm, mưa nắng dãi dầu".
Năm nay 34 tuổi, ở độ tuổi sung mãn nhất của người đàn ông mà bác tài tên Quách chỉ xấp xỉ 50kg, đứng trước đầu chiếc xe kéo nặng gần 50 tấn mà thấy choải vô cùng. Quách biện giải cho cái sự "không ổn" của mình: "Lúc mới vô nghề tao nặng 66 ký. Chạy riết rồi teo héo còn nhiêu đây. Teo do ăn uống thất thường, do lấy ngày làm đêm, do mệt hổng dám nghỉ, do sống với bụi bặm ô nhiễm. Khi mình di chuyển với vận tốc càng cao thì phổi hấp thu không khí ô nhiễm càng nhiều. Cái sự nhiều này càng gia tăng bởi mình hít cả ngày lẫn đêm".
Nói đến đây, Quách thở dài: "Khi đau bệnh vầy mình phải tự lo thôi. Sức cùng lực kiệt sẽ bị chủ cho… biến".
Lấy đêm làm ngày
Cũng trên tỉnh lộ 25B, bác tài xe công tên Sáu Xị tâm tình: "Không như dân chạy taxi, de du lịch, xe ôm… sau ngày dài rong ruổi được về nhà với vợ con, cánh xe công cứ tối ngày quần quật với gió bụi đường xa. Nghề này chạy xe không có điểm khởi đầu và kết thúc gì cả. Hễ tới đâu là nhà, ngã đâu là giường, chuyện ăn bờ ngủ bụi là chuyện cơm bữa".
Sáu biện giải: "Luật qui định xe công chỉ được chạy vào nội ô thành phố từ sau 9 giờ tối đến 4 giờ sáng nên tụi tui phải chạy đua với thời gian. Sau khi đánh xe vào cảng nhận hàng phải hết tốc lực chở đến các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trong thành… Bởi lấy đêm làm ngày nên đứa nào cũng rạc cả người, mắt trũng sâu do thiếu ngủ".
Cảnh ăn bờ ngủ bụi của tài xế xe công |
– Thiếu gì người sống bằng nghề lấy ngày làm đêm. Sao anh không như họ tranh thủ ngủ lúc ban ngày cho có sức?
– Đâu phải lúc nào tàu hàng cũng cập cảng đúng thời gian đâu. Có khi tàu cập bến trễ hay do xe gặp sự cố, do máy cẩu có vấn đề… nên khi container được chất lên đầu kéo thì trời đã gần sáng. Vậy là phải kiếm chỗ neo đậu chờ đợi vất vưởng đến 9 giờ tối mới được lăn bánh. Trong thời gian đó tui với thằng lơ phải túc trực bám xe vì sợ bọn xấu lấy cắp hàng hay rút trộm xăng dầu… Rồi do chủ xe ký hợp đồng với đối tác tuần này vận chuyển hàng vào thành phố, tuần sau chuyển hàng ra khu công nghiệp ở các tỉnh nên thời gian hoạt động của tụi tui đảo lộn xoành xoạch. Giờ giấc sinh hoạt kiểu vậy thì ngủ sao đặng. Nhiều lúc căng quá phải rít thuốc, nốc cà phê như điên cho tỉnh táo.
Trả lời câu hỏi "Nếu bị chủ xe ép sao không bỏ việc, xin chạy cho người khác?", bác tài tên Huân, 59 tuổi, trợn mắt: "Mấy chủ xe liên minh với nhau chặt lắm, đừng tưởng dọa nghỉ là họ sẽ giữ lại. Ông muốn nghỉ hả, họ sẽ OK ngay nhưng đừng hòng chạy cho chủ xe nào khác.
Nhận hồ sơ xin việc của ông, chủ xe sẽ hỏi trước đó ông chạy xe cho ai rồi bảo ông đưa số điện thoại của người đó cho hắn hỏi thăm. Vậy là ông tiêu đời thôi. Đừng nghĩ đến chuyện cho số điện thoại ảo của người quen là ổn nghen. Vì bọn hắn là dân trong nghề nên chỉ vài câu hỏi là màn kịch của ông sẽ bị bắt bài ngay".
Kéo tôi vào quán, bác tài tiếp tục nói: "Chủ xe còn ép tài xế ở chỗ bên cạnh lương căn bản (từ 2,5 – 3 triệu đồng), họ sẽ trả công mình theo tỷ lệ phần trăm. Ví dụ tuyến Cát Lái – Tân Thuận chủ xe hợp đồng với công ty là triệu rưỡi thì tui được ăn 10 phần trăm (150.000 đồng). Vấn đề ở chỗ có khi họ ký hợp đồng hai triệu một chuyến nhưng nói với tài xế triệu rưỡi thì mình cũng đành chịu. Đó là chưa kể khi xe chở quá tải, giá trị hợp đồng có khi lên đến 3-4 triệu nhưng chủ xe bảo chỉ nhận 2 triệu. Biết là bị ăn trên đầu trên cổ nhưng biết làm sao đây".
Bác tài xe công tên Sáu thật lòng: "Nghề này nó bạc bẽo vậy đó. Để sống được đành phải mở đường máu, nghĩa là phải chạy ngày chạy đêm, phải đưa hết tốc lực, bất chấp hiểm nguy sinh mạng của mình và người đi đường đặng cố tranh thủ thời gian chạy thật nhiều chuyến để tăng thêm thu nhập. Mà muốn đua với thời gian không có cách nào khác phải chạy hết tốc lực. Bởi vậy bà con nói tụi tui là hung thần đường phố cũng hổng có oan đâu. Do quá căng thẳng và nhiều áp lực vậy nên chuyện nhiều đứa, trong đó có tui lệ thuộc thuốc an thần là hổng có gì lạ".
Theo Thành Dũng (CAND)
Bình luận (0)